Truyền thông Mỹ nói rằng, giới chức nước này khá thất vọng vì các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga không gây đủ áp lực để Moscow để chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Nền kinh tế Nga vẫn trụ vững, không sụp đổ nhanh chóng như những gì phương Tây dự đoán (Ảnh minh họa: Reuters).
Hơn nửa năm sau khi Nga mở chiến dịch đặc biệt ở Ukraine, giới chức Moscow vẫn tuyên bố sẽ theo đuổi đến cùng các mục tiêu đặt ra ban đầu bất chấp áp lực từ phương Tây. Một quan chức Nga trước đó từng dẫn một thống kê nói rằng, phương Tây đã áp tổng cộng 11.000 lệnh trừng phạt lên nước này.
Các quan chức Mỹ nói với truyền thông nước này rằng họ cảm thấy không hài lòng vì các lệnh trừng phạt do Washington dẫn đầu không gây ra đủ tác động mạnh tới nền kinh tế Nga như kỳ vọng. Mỹ dự đoán những tác động khắc nghiệt nhất khó có thể xảy ra với Nga ít nhất là tới đầu năm sau.
Mục tiêu ban đầu của phương Tây là các lệnh cấm vận sẽ nhanh chóng khiến nền kinh tế Nga sụp đổ, ngăn họ cung cấp ngân sách cho chiến dịch quân sự trong dài hạn, hoặc gây ra sự phản đối trong dư luận Nga vì cuộc sống của người dân trở nên khó khăn hơn.
Tuy nhiên, nền kinh tế Nga lại trụ khá vững vàng hơn rất nhiều so với ước tính của giới chức Mỹ ban đầu. Giá năng lượng tăng phi mã đẩy doanh thu của Nga tăng mạnh trong suốt nửa năm qua. Ví dụ, trong 100 ngày đầu chiến sự, Nga thu về số tiền kỷ lục 93 tỷ EUR nhờ xuất khẩu ga, khí đốt và than.
Nền kinh tế Nga vẫn sụt giảm 4% từ tháng 4-6 so với cùng kỳ năm trước vì tác động của hàng nghìn lệnh trừng phạt. Nhưng con số này thấp hơn rất nhiều mốc 15% mà Mỹ đã dự đoán trước đó.
Một quan chức cấp cao Mỹ thừa nhận, họ đã dự đoán rằng tới tháng 9, nền kinh tế Nga sẽ sụp đổ vì các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ, nhưng thực tế lại không diễn ra như vậy.
Tuy nhiên, một quan chức khác cho rằng, cấm vận là một chiến lược có tính dài hạn để làm suy yếu năng lực kinh tế và công nghiệp của Nga nên tác động có thể chưa xảy ra ngay lập tức. Giám đốc CIA Bill Burn dự đoán, Nga sẽ phải trả giá rất đắt trong một thời gian dài.
Năng lượng đã trở thành phao cứu sinh giúp Nga chống đỡ trước 11.000 lệnh trừng phạt của phương Tây (Ảnh: Reuters).
Theo giới quan sát, sự lệch pha giữa kỳ vọng ban đầu và thực tế nằm ở chỗ nhiều quan chức Mỹ và phương Tây đã đánh giá thấp kịch bản Nga thu lợi khổng lồ từ giá năng lượng tăng cao, và chiến lược trung lập của Trung Quốc và Ấn Độ - 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn tiếp tục mua dầu và khí đốt của Moscow.
Một nguồn tin nói rằng, Ả rập Xê út giờ đây đã bắt đầu mua dầu thô của Nga với giá thấp để sử dụng trong các nhà máy điện, trong khi bán dầu của họ khai thác được cho các nước khác.
Chuyên gia Jason Blazakis nhận định: "Mỹ đã đánh giá thấp điều đó và đã chậm chạp trong việc bắt đầu nghĩ đến việc triển khai các biện pháp trừng phạt chống lại các lợi ích năng lượng của Nga".
"Tôi nghĩ rằng Mỹ kỳ vọng những lệnh trừng phạt này sẽ làm tổn thương nền kinh tế Nga rất nhanh. Các biện pháp trừng phạt chắc chắn đã làm cho nền kinh tế Nga sụt giảm quy mô, nhưng không đến mức mà Mỹ ước tính ban đầu và chắc chắn không đến mức buộc Nga phải ngồi vào bàn đàm phán", ông giải thích.
Một thực tế không thể phủ nhận rằng, châu Âu vẫn đang phụ thuộc vào năng lượng Nga. Điều đó đồng nghĩa với việc phương Tây chưa thể tung ra các biện pháp cấm vận mạnh mẽ nhằm vào các mặt hàng này. Thực tế cho thấy Nga mới chỉ giảm nguồn cung thì thị trường đã ngay lập tức chao đảo và đẩy giá năng lượng tăng vọt. Kịch bản Nga cắt hoàn toàn xuất khẩu dầu và khí đốt sang châu Âu được dự đoán sẽ gây ra tác động tàn phá.
"Chúng tôi đã cảnh báo châu Âu nhiều năm rằng họ cần phải giảm sử dụng năng lượng từ Nga nhưng họ không sẵn lòng làm điều đó cho tới khi mọi việc trở nên quá muộn", một quan chức Mỹ cho biết.
Giờ đây, giới chức Mỹ và châu Âu dường như cho rằng, năng lượng khó có thể trở thành cứu cánh cho nền kinh tế Nga trong trung hạn và dài hạn. Họ ước tính, Nga có thể đối mặt với tác động tồi tệ nhất của lệnh trừng phạt vào nửa năm sau khi các lệnh trừng phạt đã ngăn Moscow tiếp cận với công nghệ mới.
Đức Hoàng/dantri.com.vn