Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky cho biết Kiev sẽ chỉ cho phép vận chuyển amoniac của Nga qua lãnh thổ mình nếu Moscow bàn giao tù binh.
"Tôi phản đối việc cung cấp amoniac từ Liên bang Nga qua lãnh thổ của chúng tôi. Tôi chỉ làm điều đó để đổi lấy các tù binh của chúng tôi. Đây là những gì tôi đề nghị với Liên Hiệp Quốc" - Reuters dẫn lời Tổng thống Zelensky ngày 16-9.
Việc cho phép Nga tiếp tục xuất khẩu amoniac qua Ukraine sẽ giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt phân bón toàn cầu.
Tuy nhiên, Điện Kremlin nhanh chóng bác bỏ lời đề nghị trên. "Con người và amoniac có giống nhau không?" - người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đặt vấn đề.
Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky thăm thị trấn Izium ngày 14-9. Ảnh: AP
Trước đó, Tổng thống Zelensky tuyên bố Ukraine đã "bắt giữ hàng trăm binh sĩ Nga làm tù binh trong cuộc phản công gần đây ở vùng Kharkiv" nhưng ông cũng thừa nhận Nga đang cầm giữ nhiều tù binh Ukraine hơn.
Liên Hiệp Quốc đã đề nghị nhà sản xuất phân bón Uralchem của Nga bơm khí amoniac bằng đường ống tới biên giới Ukraine. Đây là khu vực mà Trammo, công ty đặt trụ sở tại Mỹ, có thể mua loại khí này. Đường ống có thể bơm tới 2,5 triệu tấn amoniac từ vùng Volga đến cảng Yuzhny trên biển Đen mỗi năm. Song, cảng này đã bị đóng cửa kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24-2.
Amoniac là thành phần quan trọng trong phân bón nitrat. Sự thiếu hụt nguồn cung amoniac có nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Cuộc xung đột tại Ukraine đã gây ảnh hưởng tới an ninh lương thực bởi phần lớn lúa mì trên thế giới đến từ Ukraine và Nga.
Theo ngành công nghiệp phân bón Nga, có tới 70% nhà máy amoniac ở châu Âu đã giảm hoặc ngừng sản xuất trong những tháng gần đây do giá năng lượng cao kỷ lục.
Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7 ký một thỏa thuận do Liên Hiệp Quốc làm trung gian để nối lại xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng biển Đen của Ukraine nhằm giảm bớt tình trạng thiếu hụt. Tuy nhiên, đại diện của Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia gần đây đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến các lô hàng ngũ cốc và phân bón bị mắc kẹt.
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal ngày 17-9 gửi lời cảm ơn sự hỗ trợ của Mỹ sau khi Ukraine nhận được thêm 1,5 tỉ USD. Đây là đợt viện trợ cuối cùng trong số 4,5 tỉ USD từ Quỹ Tín thác Ngân hàng Thế giới. Ông Shmyhal cho biết số tiền này sẽ được dùng để chi trả lương hưu và các chương trình trợ cấp xã hội.
Ukraine yêu cầu Mỹ cung cấp vũ khí công nghệ cao
Tạp chí Politico ngày 16-9 đưa tin Ukraine đang "âm thầm" đàm phán với Mỹ và yêu cầu cung cấp các loại vũ khí tiên tiến do nước này sản xuất, bao gồm hệ thống phòng không Patriot, máy bay chiến đấu F-16 và máy bay không người lái MQ-1C Grey Eagle. Theo đó, mặc dù Kiev đã ngừng yêu cầu công khai nhưng họ vẫn muốn có những vũ khí này.
Tính đến ngày 15-9, Mỹ đã cam kết hỗ trợ an ninh khoảng 15,8 tỉ USD cho Ukraine kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức.
Phạm Nghĩa/nld.com.vn