Iran đã triệu tập các đại sứ Anh và Na Uy về "hành động can thiệp và truyền thông mang tính thù địch" liên quan tới cuộc biểu tình ở nước này.
Reuters ngày 26-9 cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amirabdollahian cũng chỉ trích "sự ủng hộ của Mỹ dành cho những người biểu tình" ở Iran. Quan chức này cho biết: "Mỹ đang hỗ trợ những kẻ bạo loạn và tìm cách gây bất ổn cho Iran".
Bộ Ngoại giao Iran vừa triệu tập đại sứ Anh để chất vấn việc cơ quan truyền thông đặt trụ sở tại thủ đô London có "phát ngôn thù địch". Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Anh khẳng định họ sẽ bảo vệ tự do truyền thông và lên án hành động "trấn áp người biểu tình, nhà báo và tự do internet" của Iran.
Đại sứ Na Uy cũng bị Iran triệu tập để giải thích sau khi Chủ tịch Quốc hội Na Uy Masud Gharahkhani bày tỏ sự ủng hộ dành cho những người biểu tình ở Iran.
Biểu tình phản đối cái chết của cô Mahsa Amini ở London - Anh ngày 24-9. Ảnh: Reuters
Truyền hình nhà nước Iran đưa tin ít nhất 41 người đã thiệt mạng kể từ khi làn sóng biểu tình bùng nổ sau cái chết của cô Mahsa Amini, 22 tuổi, ngày 16-9. Khoảng 12 chi nhánh ngân hàng bị đập phá trong những ngày gần đây và 219 cây ATM bị hư hại.
Chính quyền Tehran đã tiến hành trấn áp và hạn chế mạng internet cũng như điện thoại di động để cố gắng dập tắt làn sóng biểu tình ở thủ đô cùng hàng chục thành phố khác trên cả nước.
Người biểu tình đốt xe ở Tehran ngày 19-9. Ảnh: Reuters
Biểu tình ở Tehran ngày 21-9. Ảnh: Reuters
Giám đốc chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell kêu gọi Iran ngừng trấn áp bạo lực và đảm bảo truy cập mạng internet. Ông còn kêu gọi Iran thông tin về số người thiệt mạng và bị bắt, đồng thời mở cuộc điều tra về cái chết của Amini.
Tổng thống Ebrahim Raisi tuyên bố Iran "đảm bảo quyền tự do ngôn luận" và ông đã ra lệnh điều tra về cái chết của Amini. Nhà lãnh đạo Iran nói rằng "các hành động gây hỗn loạn" là không thể chấp nhận được. Vì vậy, Iran phải đối phó với tình trạng bất ổn một cách quyết đoán.
Biểu tình ở Iran lan rộng sang thủ đô Tehran và ít nhất 50 thành phố khác. Ảnh: AP
Trước đó, ngày 22-9, các cuộc biểu tình ở Iran đã lan rộng sang thủ đô Tehran và ít nhất 50 thành phố khác sau cái chết của Amini. Amini bị cảnh sát đạo đức bắt giữ vì "mặc trang phục không phù hợp". Cô rơi vào tình trạng hôn mê sau khi bị tạm giam rồi tử vong.
Nguyên nhân Amini bị cảnh sát đạo đức bắt giữ là "đeo khăn trùm đầu quá lỏng". Theo quy định của Iran, phụ nữ phải đeo khăn trùm kín tóc nơi công cộng.
Phạm Nghĩa/nld.com.vn