Trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao, các doanh nghiệp châu Âu đang buộc phải giảm hoặc dừng sản xuất và chuyển dịch đầu tư sang Mỹ để cắt giảm chi phí. Điều này làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ phi công nghiệp hóa tại “lục địa già”.
Theo tờ Financial Times, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo gần đây cảnh báo, châu Âu có thể phải chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ của hoạt động sản xuất công nghiệp và gia tăng bất ổn xã hội nếu không hành động nhanh chóng để hạ giá năng lượng khi mùa đông đến gần. “Chúng ta có nguy cơ rơi vào một cuộc phi công nghiệp hóa khổng lồ”, ông De Croo nhấn mạnh.
Ngành công nghiệp châu Âu đã phát triển mạnh mẽ trong nhiều thập kỷ qua nhờ nguồn cung khí đốt giá rẻ từ Nga. Tuy nhiên, kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, nguồn cung này bị sụt giảm. Sau những ngày tháng khó khăn vì đại dịch Covid-19, giờ đây, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp châu Âu đang chật vật xoay xở để ứng phó với cú sốc giá năng lượng do thiếu khí đốt từ Nga.
Nhìn chung, nhiều doanh nghiệp sản xuất phải cắt giảm sản lượng, thậm chí đóng cửa nhà máy. Theo Tân Hoa xã, tại Hà Lan, nhà sản xuất nhôm Aldel đã quyết định ngừng sản xuất nhôm sơ cấp vì giá điện tăng cao. Còn nhà sản xuất phân bón Yara Sluiskil đã phải đóng cửa một số cơ sở sản xuất.
Nhà máy sản xuất nhôm của Aldel tại Hà Lan. Ảnh: aldel.nl |
Ngân hàng Rabobank có trụ sở tại Hà Lan cho biết, các công ty có nhu cầu năng lượng cao, chẳng hạn như các công ty trong ngành hóa chất, sản xuất giấy, gia công kim loại, cao su và nhựa, sẽ buộc phải giảm hoặc ngừng sản xuất trong tương lai. Trong khi đó, ông Nicolas de Warren, Chủ tịch Liên đoàn các Ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng tại Pháp Uniden cho biết, do giá năng lượng tăng đột biến, các công ty sử dụng nhiều năng lượng ở Pháp không có khả năng sản xuất các sản phẩm với giá cả cạnh tranh.
Về phần mình, Hiệp hội Kim loại màu châu Âu (Eurometaux) xác nhận, ngành sản xuất nhôm và kẽm của Liên minh châu Âu (EU) đã giảm 50% công suất do khủng hoảng năng lượng. Ngành sản xuất sắt, đồng hay niken cũng cảm nhận tác động tương tự. Trong một tuyên bố, Eurometaux nêu rõ: “Chúng tôi lo ngại rằng, mùa đông sắp tới có thể giáng đòn quyết định đối với nhiều hoạt động của chúng tôi. Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo EU hành động khẩn cấp để duy trì các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều điện năng và ngăn chặn tình trạng mất việc làm”.
Trong “cơn đau đầu” vì giá năng lượng, các doanh nghiệp châu Âu đã chuyển hướng tăng vốn đầu tư sang Mỹ. Theo truyền thông Đức, Hãng hàng không Lufthansa, Tập đoàn công nghệ Siemens, chuỗi siêu thị Aldi và Công ty chăm sóc sức khỏe Fresenius, 4 trong số hơn 60 công ty của Đức ở bang Oklahoma (Mỹ) đã cùng đầu tư thêm 300 triệu USD vào bang này.
Ngành sản xuất ô tô Đức cũng đã tăng cường đầu tư vào Mỹ. Hồi tháng 6, hãng sản xuất ô tô Volkswagen đã đặt nền móng cho một phòng thí nghiệm pin mới ở bang Tennessee và cam kết khoản đầu tư 7,1 tỷ USD với các nhà cung cấp ở Bắc Mỹ đến năm 2027. Các hãng Mercedes-Benz và BMW cũng có bước đi tương tự.
Theo Hiệp hội Phát triển kinh tế bang Virginia, số lượng các công ty Đức có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại bang này đã tăng từ 2 công ty trong năm 2021 lên 6 công ty trong năm nay. Nếu giá nhiên liệu duy trì ở mức cao trong thời gian dài, viễn cảnh các doanh nghiệp từ bỏ Đức để mở rộng sản xuất sang nước khác là hoàn toàn có thể xảy ra. Việc chuyển dịch sản xuất này có thể khiến Đức mất lợi thế cạnh tranh, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.
Theo GS John Bryson tại Đại học Birmingham (Anh), sự thay đổi về quy mô các dòng đầu tư từ châu Âu sang Mỹ một phần là kết quả của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng mạnh lãi suất. Điều này dẫn tới chênh lệch lãi suất giữa châu Âu và Mỹ ngày càng rộng. Trong khi đó, tờ The Wall Street Journal nhận định, các khoản đầu tư mới của Mỹ vào cơ sở hạ tầng, ngành chip và các dự án năng lượng xanh đã làm gia tăng sức hút của nước này đối với các nhà sản xuất châu Âu.
Giới phân tích cho rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài có thể làm "xói mòn" cấu trúc công nghiệp của châu Âu. Những tổn hại to lớn mà các doanh nghiệp châu Âu phải hứng chịu sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng trong dài hạn. Bởi lẽ, không giống như Mỹ, châu Âu dựa vào các ngành sản xuất và công nghiệp nặng như trụ cột cho tăng trưởng kinh tế trong những thập kỷ gần đây.
LÂM ANH/qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/noi-lo-phi-cong-nghiep-hoa-cua-chau-au-707895