Khủng hoảng năng lượng đang hiển hiện

Thứ 4, 26.10.2022 | 08:55:15
710 lượt xem

Dù cuộc khủng hoảng hiện nay gây nhiều đau đớn nhưng nó cũng có thể là bước ngoặt để phát triển năng lượng sạch

Phát biểu tại sự kiện Tuần lễ Năng lượng quốc tế Singapore, khai mạc hôm 25-10, ông Fatih Birol, giám đốc điều hành của Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA), khẳng định "đang xảy ra một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu thực sự".

Nguyên nhân của tình trạng trên là do nguồn cung khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đang căng thẳng kết hợp với quyết định cắt giảm sản lượng khai thác của các nước xuất khẩu dầu mỏ.

Giám đốc điều hành IEA cho biết chỉ có khoảng 20 tỉ m3 LNG mới có mặt trên thị trường vào năm sau trong khi lượng nhập khẩu LNG của châu Âu tiếp tục tăng cao và có khả năng Trung Quốc sắp quay đầu mua vào.

Đơn cử, theo Reuters, nhà điều hành mạng lưới khí đốt Enagas thông báo nhu cầu khí thiên nhiên để sản xuất điện ở Tây Ban Nha đã tăng đến 80% trong 9 tháng đầu năm nay, một phần do hai nước láng giềng Pháp và Bồ Đào Nha mua thêm điện của nước này.

Trao đổi thêm với tờ The Straits Times, ông Birol cho rằng thị trường khí đốt sẽ eo hẹp nguồn cung cho đến năm 2024, đồng nghĩa với giá cả tiếp tục ở mức cao.

Khủng hoảng năng lượng đang hiển hiện - Ảnh 1.

Hoạt động tại một trạm sạc cho ôtô điện ở Bilbao - Tây Ban Nha hôm 25-10 Ảnh: REUTERS

Cùng lúc, việc liên minh OPEC+ (giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ - OPEC - và các đối tác, bao gồm Nga) cắt giảm 2 triệu thùng dầu khai thác mỗi ngày là một "quyết định mạo hiểm", theo ông Birol, nhất là khi nhiều nền kinh tế đang trên bờ vực suy thoái, nếu không muốn nói là suy thoái toàn cầu.

Ngoài ra, ông Birol - người từng làm việc tại OPEC trước khi gia nhập IEA vào thập niên 1990, đánh giá thị trường thế giới vẫn cần dầu của Nga, bất kể phương Tây có áp giá trần hay không.

Cũng trong cuộc phỏng vấn với báo The Straits Times, ông Birol bày tỏ lo ngại cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay sẽ làm sâu sắc thêm những hoài nghi giữa nước giàu và nước nghèo, đồng thời đào sâu hơn những rạn nứt địa chính trị.

"Khủng hoảng năng lượng đã thực sự tạo ra các ảnh hưởng kinh tế, làm các nước đang phát triển thiệt hại rất nghiêm trọng. Đồng tiền của nhiều nước đang yếu đi" - ông Birol chỉ ra.

Dù cuộc khủng hoảng hiện nay gây nhiều đau đớn nhưng nó cũng có thể là bước ngoặt để phát triển năng lượng sạch mạnh hơn, theo ông Birol.

Gần đây, Mỹ đã thông qua Đạo luật Cắt giảm lạm phát, qua đó rót 369 tỉ USD - thông qua các hỗ trợ về thuế và bảo lãnh - để phát triển năng lượng tái tạo, xe điện và các nguồn năng lượng sạch khác. Trong khi đó, kế hoạch REPowerEU trị giá 210 tỉ euro của Liên minh châu Âu cũng nhằm tăng tốc đầu tư cho năng lượng sạch sao cho không còn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga trước năm 2030.

Tại châu Âu, hôm 25-10, hai Công ty Orsted và Copenhagen Infrastructure Partners (CIP)của Đan Mạch thông báo kế hoạch bắt tay nhau để tăng mạnh nguồn điện gió ngoài khơi nước này - lên đến 5,2 GW. Các dự án có thể tiến hành vào năm 2027 hoặc 2028. Orsted chính là công ty năng lượng gió ngoài khơi lớn nhất thế giới, còn CIP là nhà phát triển lớn kiêm quỹ đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Chuyển sang châu Á, Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ đều đã hoạch định các khoản đầu tư lớn cho năng lượng xanh. Được ông Birol đánh giá là khu vực then chốt trong chuyển đổi xanh và là động lực tăng trưởng chính cho thị trường năng lượng toàn cầu, châu Á hiện tiêu thụ khoảng 80% lượng năng lượng toàn cầu.

Theo dự báo của IEA, các nguồn năng lượng thay thế sẽ lập kỷ lục mới về sản lượng trong năm 2022, với sản lượng điện năm nay có thể tăng thêm 20% so với năm ngoái, lên mức 400 GW.


Hải Ngọc/nld.com.vn

https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/khung-hoang-nang-luong-dang-hien-hien-20221025204551144.htm 

  • Từ khóa