Trong hai ngày 29 và 30-11, Hội nghị Ngoại trưởng các nước thành viên Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã nhóm họp tại Bucharest (Romania). Hội nghị diễn ra trong bối cảnh chiến sự Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn căng thẳng khi mùa đông khắc nghiệt vừa tới.
Một trong những nội dung chính được thảo luận tại hội nghị là các cam kết mới về hỗ trợ cho Ukraine, bao gồm hỗ trợ nhiên liệu, máy phát điện, vật tư thiết bị y tế, thiết bị gây nhiễu máy bay không người lái. Cụ thể, các ngoại trưởng NATO đã cam kết tăng cường các khoản viện trợ quân sự phi sát thương, hỗ trợ Ukraine khôi phục hạ tầng điện, nước đang bị hư hại nghiêm trọng.
Slovakia cho biết đang cung cấp 30 xe bọc thép cho Kiev. Đức tuyên bố sẽ cung cấp 350 máy phát điện, cũng như hỗ trợ tài chính để sửa chữa hạ tầng năng lượng trị giá 56 triệu euro (58 triệu USD). Mỹ công bố khoản hỗ trợ trị giá 53 triệu USD giúp khôi phục các trạm truyền tải điện cao thế của Ukraine, CNN đưa tin.
Ngoại trưởng Estonia Urmas Reinsalu thậm chí còn kêu gọi các đối tác NATO cam kết khoản hỗ trợ quân sự tương đương 1% GDP mỗi nước cho Ukraine, với hy vọng điều đó sẽ tạo ra “sự khác biệt chiến lược”. Song dường như ông Reinsalu đã không biết “liệu cơm gắp mắm”, không tính toán đến một thực tế là hầu hết đồng minh NATO đều đang phải đối mặt với bóng ma suy thoái kinh tế, lạm phát cao và đang phải vật lộn để đạt được khoản chi 2% GDP cho ngân sách quốc phòng của chính quốc gia mình.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao NATO tại Bucharest (Romania), ngày 29-11. Ảnh: Getty Images |
Tuy nhiên, điều khiến dư luận chú ý, là tuyên bố của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại hội nghị, rằng khối này đang thảo luận về khả năng cung cấp hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine. Trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực tìm mọi biện pháp hạ nhiệt căng thẳng trong cuộc chiến Nga-Ukraine, thì tuyên bố trên chẳng khác gì “đổ thêm dầu vào lửa”.
Ngay lập tức, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố trên Telegram: “Nếu như ông Stoltenberg ám chỉ, NATO cung cấp cho Kiev các tổ hợp phòng không Patriot cùng với các binh lính NATO, họ sẽ ngay lập tức trở thành mục tiêu hợp pháp của các lực lượng vũ trang Nga”. Hẳn là đến giờ này ai cũng hiểu, tuyên bố của ông Medvedev không phải chỉ để “nói cho vui”.
“Chữa cháy” cho lời tuyên bố của ông Stoltenberg, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc, tướng Pat Ryder phát biểu với truyền thông: "Ngay bây giờ chúng tôi không có kế hoạch cung cấp hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine, tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục có những cuộc thảo luận”.
Trong một diễn biến liên quan, Hãng thông tấn Nga TASS ngày 30-11 dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho hay, Moscow sẽ không thảo luận về Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) với Mỹ chừng nào Washington còn tiếp tục trang bị vũ khí cho Ukraine: "Mỹ đang lên kế hoạch gửi thêm vũ khí tới Ukraine... Họ xúi giục Kiev đổ máu nhiều hơn, đồng thời phân bổ thêm ngân quỹ cho các hoạt động cực đoan của một số cá nhân ở Ukraine”.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga đã tuyên bố hoãn cuộc họp của Ủy ban tham vấn song phương Nga-Mỹ về Hiệp ước New START, ban đầu dự kiến diễn ra tại Cairo (Ai Cập) từ ngày 29-11 đến 6-12. Theo bà Zakharova, Moscow đánh giá cao Hiệp ước New START vì cho rằng nó đáp ứng lợi ích chung của Nga và Mỹ, song cần phải có những điều kiện thích hợp để thảo luận về hiệp ước này.
Địa điểm được chọn để tổ chức Hội nghị Ngoại trưởng NATO lần này là thủ đô Bucharest của Romania, chứa đựng hàm ý của NATO đối với cuộc chiến đang diễn ra tại Ukraine. Tại đây, vào tháng 4-2008, Tổng thống Mỹ George W.Bush khi đó đã thuyết phục các đồng minh NATO rằng Ukraine và Gruzia một ngày nào đó sẽ gia nhập liên minh quân sự này. Suốt một thời gian dài, tuyên bố của Tổng thống Bush đã gây ra nhiều tranh cãi, mà theo giới phân tích chính trị, là một sai lầm lớn khiến Nga cảm thấy bị dồn vào chân tường bởi một NATO đang ngày càng bành trướng.
Chính Tổng thống Nga Vladimir Putin khi đó đã lên tiếng cáo buộc NATO là “mối đe dọa trực tiếp” đối với nước Nga, khi mà Moscow đã liên tục cảnh báo NATO cần giữ cam kết không mở rộng ảnh hưởng về phía Đông. Ai cũng hiểu, các nước thuộc không gian hậu Xô viết không chỉ là quốc gia láng giềng, mà là một phần không thể thiếu trong lịch sử, văn hóa và tinh thần của nước Nga. Trên góc độ địa chính trị, đây được xem là “vùng đệm” ngăn cách Nga với NATO.
Tại hội nghị lần này ở Bucharest, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tiếp tục tái khẳng định cam kết của NATO đối với Ukraine, rằng một ngày nào đó Ukraine sẽ trở thành thành viên của tổ chức an ninh lớn nhất thế giới: “Cánh cửa NATO đang mở. Nga không có quyền phủ quyết đối với các quốc gia muốn gia nhập NATO... Chúng tôi ủng hộ tư cách thành viên của Ukraine”.
Tuyên bố mạnh miệng là thế, song trên thực tế, các nhà lãnh đạo NATO vẫn chưa đưa ra được bất kỳ lộ trình cụ thể nào, chẳng hạn như trao cho Ukraine một kế hoạch hành động về tư cách thành viên, trong đó vạch ra một thời gian biểu để đưa Kiev xích lại gần vạch đích hơn. Chưa kể, việc kết nạp Ukraine cũng đồng nghĩa với việc các lực lượng của NATO áp sát Nga, phá vỡ cấu trúc an ninh, đe dọa không gian sinh tồn và làm suy giảm ảnh hưởng địa chính trị của Nga trong không gian hậu Xô viết, và dĩ nhiên, nước Nga không dễ gì cam chịu để điều đó xảy ra.
HÀ PHƯƠNG/qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/hoi-nghi-ngoai-truong-nato-lieu-co-do-them-dau-vao-lua-712632