Mới đây, các quan chức cấp cao Mỹ tiếp tục nêu rõ lập trường của chính quyền Washington không tìm cách tách rời nền kinh tế nước này với Bắc Kinh theo bất kỳ cách nào.
Theo Kyodo News, ngày 30-11, phát biểu trong một sự kiện tại Viện Công nghệ Massachusetts, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nêu rõ Mỹ sẽ tiếp tục hối thúc Trung Quốc giải quyết những hoạt động kinh tế gây bất lợi cho các công ty Mỹ, nhưng mặt khác không muốn cắt đứt quan hệ kinh tế với quốc gia đông dân nhất thế giới.
Đồng thời, người đứng đầu Bộ Thương mại Mỹ cũng nhấn mạnh vào vị trí quan trọng của thị trường Trung Quốc đối với nền kinh tế Mỹ. Theo đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Mỹ và những mặt hàng nước này xuất khẩu sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trực tiếp mang lại 750.000 việc làm cho người dân xứ cờ hoa. Nhân dịp này, Bộ trưởng Thương mại Mỹ vạch ra chiến lược chi tiết cho nền kinh tế nước này, trong đó đặt mục tiêu củng cố hệ thống kiểm soát xuất khẩu, tăng cường chế độ sàng lọc đầu tư, nâng cao khả năng phục hồi chuỗi cung ứng và phát triển các giải pháp sáng tạo.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo. Ảnh: CNN. |
Cùng ngày, Financial Times dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại cuộc họp báo khi tham dự Hội nghị Ngoại trưởng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Bucharest, Romania cũng khẳng định Mỹ không tìm cách chia cắt mối quan hệ về kinh tế giữa Washington và Bắc Kinh, cũng như không tìm kiếm xung đột với nước này trong bối cảnh cạnh tranh giữa hai bên ngày càng gia tăng không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn về quân sự hay công nghệ.
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với CNN cũng tại Romania, Ngoại trưởng Mỹ cho biết dự định thăm Trung Quốc vào đầu năm tới và mục đích của chuyến đi sẽ là duy trì liên lạc giữa hai nước sau cuộc gặp trực tiếp vừa qua giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali, Indonesia.
Những tuyên bố trên của giới chức Mỹ được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện một số tín hiệu tích cực trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc nói chung và thương mại song phương nói riêng.
Sau thời gian dài lạnh nhạt, quan hệ Mỹ-Trung Quốc dường như đã nhen nhóm hy vọng khởi sắc với nhiều cuộc gặp cấp cao trong những tuần qua, mở đầu là cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước bên lề Hội nghị G20 tại Indonesia. Tiếp đến, đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai có cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào bên lề Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Bangkok, Thái Lan. Sau đó, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng đã có cuộc trao đổi ngắn với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc cũng bên lề Hội nghị APEC. Gần nhất là cuộc gặp giữa hai Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ-Trung Quốc bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 9 tại Siem Reap, Campuchia.
Trong khi đó, về quan hệ kinh tế, tới thời điểm này, chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn chưa loại bỏ bất kỳ khoản thuế quan hàng hóa nhập khẩu nào từ Trung Quốc mà Mỹ đã áp dụng từ thời cựu Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, cuối tháng trước, Tân Hoa xã đưa tin, Ủy ban Thuế vụ và Hải quan thuộc Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc cho biết nước này sẽ gia hạn 6 tháng việc miễn áp thuế bổ sung đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, chỉ vài ngày sau khi Văn phòng đại diện Thương mại Mỹ (USTR) tuyên bố gia hạn miễn thuế 3 tháng đối với 81 sản phẩm y tế nhập khẩu từ Trung Quốc. Thậm chí, theo Global Times, kim ngạch thương mại song phương cũng ghi nhận chiều hướng tăng hằng năm, trong đó tăng 8,3% vào năm 2020, tăng 28,7% vào năm ngoái và đạt gần 640 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm nay, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước đó.
KHÁNH NGÂN/qdnd.vn