Trong khi chiến sự ở Ukraine vẫn diễn biến khốc liệt, các nước trên khắp châu Âu đang mệt mỏi trong nỗ lực hỗ trợ Kiev và những người tị nạn đến từ nước này.
Người dân tập trung tại Przemysl, Ba Lan chào đón người tị nạn đến từ Ukraine vào tháng 2/2022 (Ảnh: Washington Post).
Từ đầu mùa đông năm ngoái, Jaroslaw Olak, một người gốc Warsaw (Ba Lan), cùng các con trai nhỏ dành thời gian đi phân phát kẹo cho những người tị nạn tại thủ đô.
Ngay sau đó, ông quyết định miễn phí tiền thuê căn hộ cho các gia đình tị nạn người Ukraine ở trung tâm thành phố. "Không giúp đỡ những trường hợp khốn khổ như vậy thì thật quá thờ ơ", ông nói.
Nhưng giờ đây, đối với những người chủ nhà tình nguyện như Olak, gánh nặng tài chính trong việc giúp đỡ những người tị nạn Ukraine đã tăng lên và họ đang dần kiệt sức. Họ cũng không rõ có thể hỗ trợ thêm nữa trong thời gian tới hay không.
Tại Ba Lan và trên khắp châu Âu, chi phí năng lượng và nhà ở đã tăng vọt, trong khi một số nước đã tính đến việc cắt giảm nguồn tài trợ khi chiến tranh kéo dài.
Chiến sự kéo dài và điều kiện khắc nghiệt đã khiến các nhóm nhân đạo và tình nguyện viên phải vật lộn với câu hỏi khó là làm thế nào để duy trì viện trợ cho người tị nạn Ukraine trong năm tới.
Tổng thư ký Hội đồng Người tị nạn Na Uy (NRC) Jan Egeland cho biết, châu Âu phải sẵn sàng tiếp nhận hàng trăm nghìn người tị nạn Ukraine trong mùa Đông này. "Đó thực sự là sự lựa chọn giữa giá lạnh hoặc di tản. Vì vậy, rất nhiều người đang tự nguyện rời đi", ông Egeland nói.
Đối với Olak và những người khác, điều đó có nghĩa là họ sẽ tiếp tục hy sinh lợi ích để mở cửa nhà và thể hiện tình đoàn kết với người Ukraine, ngay cả khi chính quyền địa phương và chính phủ quốc gia đang dần lùi bước.
"Sự hỗ trợ nào cũng giới hạn"
Ông Olak, 47 tuổi, làm việc tại một tổ chức phúc lợi Ba Lan, cho biết, sự hỗ trợ của người dân cũng đều có "giới hạn của nó".
"Tôi sợ rằng trong một thời gian ngắn nữa chúng tôi sẽ phải đối mặt với làn sóng di cư thứ hai liên quan đến mùa đông ở Ukraine. Và rồi chuyện gì xảy ra?", ông nói.
Theo Liên hợp quốc, khoảng 1/3 người Ukraine đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt hồi tháng 2/2022.
Gần 8 triệu người tị nạn Ukraine đã đến các nước châu Âu, trong làn sóng mà Liên hợp quốc đánh giá là "cuộc khủng hoảng di cư gia tăng nhanh nhất kể từ Thế chiến II".
Người tị nạn Ukraine tại trung tâm tị nạn tạm thời ở Tiszabecs, miền đông Hungary (Ảnh: AFP).
Nhiều người chạy khỏi Ukraine trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến. Liên minh châu Âu (EU) đã phản ứng bằng một kế hoạch tạm thời cấp cho người Ukraine quyền cư trú, cùng với các lợi ích khác như chăm sóc sức khỏe và tiếp cận thị trường việc làm.
Theo Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), khoảng 4,8 triệu người tị nạn đã đăng ký nhận trợ cấp.
Charlotte Slente, Tổng thư ký của Hội đồng người tị nạn Đan Mạch, cho biết thời điểm đó, nhiều công dân cũng thể hiện sẵn sàng tiếp nhận dòng người Ukraine.
Tại Warsaw, một số cư dân đã nghỉ làm hàng tuần để tham gia chiến dịch tiếp nhận người tị nạn, trong khi người Đức thiết lập các điểm chào đón người tị nạn ở Berlin. Tại các nhà ga xe lửa ở Budapest, người Hungary đã phát bộ dụng cụ vệ sinh cho người tị nạn đến từ Ukraine. Trong khi đó, người Romania đã phục vụ đồ ăn nóng cho những người Ukraine có nhu cầu.
Các tình nguyện viên người Latvia đã sẵn sàng các phương tiện di chuyển cho những người phải di dời, thường liên quan đến việc di chuyển qua Nga. Quốc gia Baltic nhỏ bé, quen với việc chỉ nhận được vài trăm yêu cầu tị nạn mỗi năm, đã tiếp nhận hơn 40.000 người Ukraine. Tại Ba Lan, 1,5 triệu người tị nạn Ukraine đã đăng ký để được bảo vệ tạm thời.
Vì dòng người nhập cư, kể từ hồi tháng 3/2022, Ania Dziadon, người điều hành một doanh nghiệp bất động sản ở thành phố Tarnow của Ba Lan, đã quyết định chuyển một tòa nhà của mình thành một nhà trọ miễn phí, có thể chứa tới 50 người.
Kể từ đó, hàng chục người tị nạn đến từ Ukraine luân phiên đã chen chúc ở tòa nhà này.
Cô Dziadon cho biết, bản thân đã giúp người tị nạn Ukraine tìm việc làm hoặc đăng ký cho con đi học. "Những người mới đến cho hay họ rời Ukraine vì lạnh, thiếu điện và internet", cô nói.
Vì tòa nhà của Dziadon được phân loại là "nhà ở tập thể", cô nhận được khoảng 16 USD/ngày tiền trợ cấp từ chính phủ cho mỗi người tị nạn mà cô tiếp đón. Trong khi đó, các chủ nhà riêng lẻ như Olak nhận được 9 USD/ngày trong tối đa 4 tháng.
"Các khoản thanh toán không nhiều, nhưng chúng giúp trang trải chi phí, mặc dù những chi phí đó đang tăng lên khi nhiệt độ giảm và ngày càng có nhiều người tị nạn hơn", ông Olak nói.
Mùa đông khốc liệt
Các nhân viên cứu trợ nói rằng, rất khó để đánh giá có bao nhiêu người tị nạn Ukraine tại mỗi quốc gia châu Âu và bao nhiêu người nữa có thể đến đó.
Nhiều người Ukraine thường xuyên vượt biên giới. Những người khác đã trở về nhà bất chấp chiến tranh, và một số vẫn ở nước ngoài chưa đăng ký bảo hộ công dân.
Một cụ bà người Ukraine tại một trại tị nạn tạm thời ở Przemysl (Ảnh: Reuters).
Khi số người tị nạn giảm trong mùa hè, một số nhóm viện trợ đã cắt giảm hoạt động trong khi một số trung tâm tiếp nhận đã đóng cửa. Nhưng đến tháng 8, các quan chức Ukraine đã bắt đầu gióng lên hồi chuông cảnh báo về tác động tiềm tàng của chiến tranh vào mùa đông, theo Slente.
Sau đó, vào tháng 10/2022, Nga bắt đầu chiến dịch tập kích liên tiếp nhằm vào cơ sở hạ tầng của Ukraine, nhấn chìm các thị trấn và thành phố vào bóng tối và cái lạnh thấu xương. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết có thời điểm vào cuối tháng 12, gần 9 triệu người không có điện.
Ông Lukasz Pulawski thuộc Tổ chức Đối thoại Mở, một tổ chức phi lợi nhuận của Ba Lan hỗ trợ những người tị nạn, cho biết một số người "đang cân nhắc chạy khỏi Ukraine một lần nữa". "Vào mùa đông, thật khó để tồn tại nếu bạn không có nguồn cung cấp năng lượng hoặc sưởi ấm", ông nói.
Nhiệt độ tháng 12/2022 ở thủ đô Kiev của Ukraine dao động quanh mức đóng băng, trong khi thành phố tiền tuyến Bakhmut có nhiệt độ xuống thấp tới 12 độ F (âm 11 độ C). Chính phủ Ukraine đã kêu gọi các công dân tị nạn ở lại nước ngoài trong suốt mùa đông.
Nhưng các cơ quan nhân đạo đang cố gắng gửi càng nhiều viện trợ vào Ukraine càng tốt vì người già khó có thể rời đi.
Một cuộc khảo sát gần đây của Liên hợp quốc cho thấy, chỉ 7% số người được hỏi vẫn còn ở Ukraine đang cân nhắc việc rời đi. Olga Sarrado Mur, phát ngôn viên của UNHCR, cho biết dữ liệu thu thập cũng cho thấy không có làn sóng gia tăng lớn về số lượng người qua biên giới trong những tuần gần đây.
Các tình nguyện viên phân loại đồ tiếp tế do người dân di tản ở Lviv, Ukraine (Ảnh: Reuters).
Tuy nhiên, các quốc gia láng giềng bao gồm Romania và Ba Lan báo cáo một làn sóng người tị nạn gia tăng nhẹ, trong khi ở các quốc gia khác, tốc độ quay trở lại Ukraine đã chậm lại.
Mihaela Munteanu, người điều hành trung tâm tị nạn lớn nhất ở thành phố Iasi thuộc miền đông Romania, cho biết ngày càng có nhiều người Ukraine đưa người thân lớn tuổi đến Romania. Theo Hội Chữ thập đỏ Đức, làn sóng người tị nạn đến Berlin trong mùa đông cũng bắt đầu tăng lên.
Các tổ chức viện trợ đang nhanh chóng huy động thêm tình nguyện viên và sẵng sàng mở lại các trung tâm tiếp nhận nếu cần.
Phát ngôn viên Shabia Mantoo cho biết, UNHCR đang nỗ lực hỗ trợ chính quyền địa phương và quốc gia ở Trung và Đông Âu chuẩn bị các kế hoạch dự phòng, bao gồm dự trữ chăn và đệm giữ nhiệt cũng như tăng cường năng lực của các trung tâm tiếp nhận.
Cô Dziadon hiện đang cải tạo căn gác mái nhà trọ của mình để có thể tiếp nhận thêm người tị nạn. Nhưng không phải tất cả những người dân các nước sở tại đều sẵn sàng chào đón dòng người Ukraine tị nạn tiếp theo như Dziadon và Olak.
Thanh Thành/dantri.com.vn