Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg lên tiếng về khả năng Ukraine gia nhập liên minh, sau khi Kiev nhiều lần để ngỏ ý định này.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (Ảnh: AP).
"Đối với Ukraine, quan điểm của NATO không thay đổi. Chúng tôi đã nhiều lần nói rằng Ukraine sẽ gia nhập liên minh. Nhưng bây giờ, chúng tôi tập trung vào việc đảm bảo chiến thắng của Ukraine trong cuộc chiến. Cách duy nhất để Ukraine gia nhập NATO là đảm bảo chiến thắng của Ukraine như một quốc gia có chủ quyền", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói trong cuộc họp báo sau cuộc họp của các bộ trưởng NATO hôm 15/2.
Ông Stoltenberg nhấn mạnh, các đồng minh NATO đang tập trung vào việc đảm bảo rằng Ukraine "có được vũ khí, vật tư và đạn dược cần thiết để đẩy lùi Nga".
"Chúng tôi cũng đang làm việc trên một quan hệ đối tác lâu dài để giúp Ukraine chuyển đổi từ các học thuyết và vũ khí của Liên Xô sang các tiêu chuẩn của NATO, cải thiện khả năng tương tác và tiến hành cải cách an ninh và quốc phòng. Điều này sẽ đưa Ukraine đến gần hơn với liên minh", Tổng thư ký NATO nói thêm.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov hồi tháng 1 tuyên bố, nước này đã là thành viên trên danh nghĩa của NATO. Bộ trưởng Reznikov nói rằng, Ukraine đang thực hiện sứ mệnh của NATO dù Kiev chưa phải là thành viên chính thức của liên minh.
Tổng thư ký NATO cho biết, kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, NATO đã viện trợ chưa từng có cho Ukraine, với khoảng 120 tỷ USD gồm cả viện trợ quân sự, nhân đạo và tài chính. Ngoại trưởng Mỹ cho biết, Washington đã góp khoản viện trợ quân sự trị giá gần 30 tỷ USD trong khi các thành viên khác của NATO dành 13 tỷ USD hỗ trợ quân sự cho Kiev cùng hàng chục USD viện trợ kinh tế, nhân đạo.
Vào tháng 9/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo đã ký đơn xin nhanh chóng gia nhập NATO. Động thái của Kiev nhằm đáp trả việc Nga sáp nhập 4 khu vực gồm Donetsk, Lugansk, Zaporizhia và Kherson.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, Ukraine có thể phải chờ nhiều năm để được kết nạp làm thành viên chính thức, ngay cả khi chiến sự khép lại và các nước NATO khác phê duyệt đơn xin gia nhập của Kiev.
Ukraine từ lâu đã theo đuổi mục tiêu gia nhập NATO và Liên minh châu Âu (EU), thậm chí Kiev đã đưa mục tiêu trở thành thành viên NATO vào hiến pháp. Trong khi đó, Nga đã đặt ra các điều kiện để xung đột khép lại, trong đó có việc Ukraine phải trung lập, không gia nhập NATO.
Các diễn biến trong thời gian qua cho thấy, việc gia nhập NATO với Ukraine dường như đang gặp khó khăn. Ukraine nhiều lần thừa nhận NATO không muốn kết nạp nước này vào khối. Kiev cũng từng phát đi tín hiệu sẽ dừng mong muốn gia nhập NATO như một nhượng bộ cho việc đàm phán hòa bình với Nga.
Đại diện Thường trực của Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzya cáo buộc Ukraine đã trở thành một đơn vị quân sự trực thuộc NATO, khi nhận ngân sách, vũ khí và hướng dẫn chiến đấu từ khối liên minh quân sự để đối phó Nga.
Moscow nhiều lần cảnh báo phương Tây rằng việc trang bị vũ khí cho Ukraine chỉ khiến xung đột kéo dài và có nguy cơ dẫn đến một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.
Thành Đạt/dantri.com.vn