Kỳ họp thứ nhất Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Nhân đại, tức Quốc hội Trung Quốc) khóa XIV diễn ra từ ngày 5 đến 13-3 tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh được xem là một trong những sự kiện chính trị trọng đại nhất của đất nước Trung Quốc trong năm nay. Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bước vào hành trình mới, xây dựng toàn diện đất nước hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa.
Theo Tân Hoa xã, tại phiên toàn thể thứ 3 diễn ra ngày 10-3, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục được bầu làm Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp, với số phiếu bầu tuyệt đối 2.952/2.952. Các đại biểu cũng bầu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Triệu Lạc Tế làm Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (tức Chủ tịch Quốc hội) khóa XIV và bầu Phó thủ tướng Hàn Chính làm Phó chủ tịch nước.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên thệ nhậm chức ngày 10-3. Ảnh: Tân Hoa xã |
Kỳ họp thứ nhất Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa XIV thu hút sự chú ý của dư luận trong và ngoài Trung Quốc bởi qua đây, thế giới sẽ có cái nhìn tổng thể về tình hình chính trị và kinh tế-xã hội trong thời gian qua cũng như những định hướng phát triển thời gian tới của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tân Hoa xã dẫn báo cáo công tác chính phủ được trình bày tại kỳ họp cho biết, trong 5 năm qua, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, quy mô GDP của Trung Quốc đã tăng lên 121.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 17,5 nghìn tỷ USD), tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 5,2%/năm, mức sống của người dân không ngừng được cải thiện. Trung Quốc cũng đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm 2023, khẳng định sẽ tăng cường nỗ lực thu hút và tận dụng đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh phát triển chất lượng cao là “nhiệm vụ quan trọng nhất” trong xây dựng toàn diện đất nước hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa.
Về đối ngoại, Tân Hoa xã dẫn lời Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương phát biểu với báo chí bên lề kỳ họp, nhấn mạnh Bắc Kinh kiên quyết phản đối bá quyền, chính trị cường quyền cũng như tư duy Chiến tranh lạnh. Bộ trưởng Tần Cương kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết, tránh đối đầu và xung đột. Theo nhà ngoại giao Trung Quốc, với sự đoàn kết và hợp tác, thế giới có thể đánh bại đại dịch Covid-19, giải quyết được vấn đề biến đổi khí hậu, vấn đề phát triển, an ninh và quản trị cũng như xây dựng một thế giới tốt đẹp. Bộ trưởng Tần Cương cũng cho rằng các nước đang phát triển cần được tham gia nhiều hơn và có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong các vấn đề quốc tế.
Liên quan tới mối quan hệ với Mỹ, ông Tần Cương nhấn mạnh mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington cần được xác định trên cơ sở lợi ích chung và chia sẻ trách nhiệm cũng như tình hữu nghị giữa người dân hai nước. Trung Quốc hy vọng hai bên tìm ra “con đường đúng đắn” để duy trì mối quan hệ song phương vì lợi ích của hai nước nói riêng và thế giới nói chung. Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, cùng chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi để “theo đuổi một mối quan hệ tốt đẹp và ổn định” với Mỹ.
Về mối quan hệ với châu Âu, ông Tần Cương nêu rõ mối quan hệ này “không nhằm vào, phụ thuộc hay chịu sự chi phối” của một bên thứ 3. Bộ trưởng Tần Cương khẳng định dù tình hình diễn biến thế nào, Trung Quốc luôn xem châu Âu là đối tác chiến lược toàn diện và ủng hộ sự hội nhập của châu Âu. Trung Quốc hy vọng châu Âu thực sự có được sự tự chủ chiến lược cũng như an ninh và ổn định lâu dài, sẵn sàng hợp tác với châu Âu nhằm làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ này cũng như thúc đẩy chủ nghĩa đa phương thật sự.
Về mối quan hệ với Nga, ông Tần Cương cho rằng, khi thế giới trở nên bất ổn hơn, việc thúc đẩy mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow càng trở nên cấp bách. Theo ông Tần Cương, quan hệ Trung Quốc-Nga là “một ví dụ tiêu biểu về mối quan hệ quốc tế kiểu mới” và không nhằm đe dọa hay chịu sự can thiệp của bất kỳ bên thứ 3 nào. Ông Tần Cương bày tỏ tin tưởng quan hệ Trung Quốc-Nga sẽ phát triển lên cấp độ cao hơn trong thời gian tới. Về cuộc xung đột tại Ukraine, ông Tần Cương khẳng định Trung Quốc ủng hộ hòa bình, đối thoại và giảm căng thẳng; đồng thời nhấn mạnh không nên khơi lại Chiến tranh lạnh và không nên lặp lại cuộc xung đột tương tự tại châu Á.
Về mối quan hệ với Nhật Bản, Bộ trưởng Tần Cương khẳng định Trung Quốc luôn thể hiện thiện chí và hy vọng xây dựng tình hữu nghị cũng như quan hệ láng giềng tốt đẹp với Nhật Bản. Để thúc đẩy quan hệ hai nước, ông Tần Cương cho rằng điều quan trọng là “thực hiện các cam kết, rút ra các bài học từ lịch sử và hợp tác cùng có lợi”.
VŨ HOÀNG