Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen kêu gọi các nước trong khối cần thống nhất chính sách nhằm chống lại "trật tự thế giới thay thế" của Trung Quốc.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen có bài phát biểu về quan hệ EU-Trung Quốc tại Brussels hôm 30/3 (Ảnh: AFP).
Trong một bài phát biểu được mong đợi về quan hệ EU-Trung Quốc tại thủ đô Brussels, Bỉ vào ngày 30/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã cáo buộc Trung Quốc theo đuổi chính sách "thay đổi có hệ thống trật tự thế giới", trong đó mục tiêu đặt Bắc Kinh ở trung tâm.
Vì vậy, vị nữ lãnh đạo của EU kêu gọi cần có "chính sách cơ bắp" nhằm ứng phó động thái này. Chủ tịch EC cho biết, ủy ban này sẽ đề xuất một "chiến lược an ninh kinh tế mới vào cuối năm nay" nhằm đối trọng điều mà bà mô tả là một Bắc Kinh "ngày càng quyết đoán".
Theo đó, EU sẽ xem xét hạn chế đầu tư của các công ty châu Âu vào Trung Quốc trong các lĩnh vực nhạy cảm như robot, điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo.
Bà Von der Leyen cũng cho rằng, Hiệp định toàn diện về đầu tư (CAI) vốn đang bị đình trệ giữa EU và Trung Quốc hiện đã lỗi thời. Điều này cho thấy, mọi nỗ lực nhằm hồi sinh hiệp định này sẽ không thành công.
"Chúng ta phải thừa nhận rằng thế giới và Trung Quốc đã thay đổi trong 3 năm qua, và chúng ta cần đánh giá lại CAI dựa trên chiến lược Trung Quốc rộng lớn hơn", bà nói, đánh dấu một bình luận hiếm hoi về thỏa thuận dường như đang có nguy cơ bị sụp đổ.
Bài phát biểu này của bà Von der Leyen được đưa ra trước chuyến công du cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Trung Quốc và có cuộc hội đàm với Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình.
"Mục tiêu rõ ràng của Bắc Kinh là thay đổi trật tự quốc tế một cách có hệ thống, trong đó đặt Trung Quốc là trung tâm. Chúng ta đã chứng kiến lập trường của Trung Quốc tại các tổ chức đa phương, trong đó thể hiện quyết tâm thúc đẩy tầm nhìn thay đổi một trật tự thế giới mới", bà nhấn mạnh.
Theo vị nữ chính trị gia này, chuyến công du của ông Tập tới Moscow vào tuần trước chính là "lời nhắc nhở rõ ràng" về các mục tiêu toàn cầu của Bắc Kinh.
"Không hề bị ảnh hưởng với tình hình chiến sự Ukraine, ông Tập Cận Bình đang duy trì 'tình bạn không giới hạn' với chính quyền Tổng thống Vladimir Putin", bà nói thêm.
Bà Von der Leyen cũng bác bỏ các đề xuất của Trung Quốc về hòa bình ở Ukraine, nhưng nói rằng: "Trung Quốc có trách nhiệm đóng một vai trò mang tính xây dựng trong việc thúc đẩy một nền hòa bình công bằng".
Tuy nhiên, bà Von der Leyen khẳng định rằng EU không tìm cách tách khỏi Trung Quốc và nhắc lại đề xuất trước đó của bà về việc "giảm thiểu rủi ro" cho mối quan hệ song phương, cả về kinh tế và chính trị.
Bà nói, hầu hết các hoạt động thương mại không "rủi ro". Tuy nhiên, theo bà, chính những cáo buộc Trung Quốc gian lận đã buộc các nước châu Âu phải thay đổi chính sách.
"Mối quan hệ của chúng tôi không phải là đen hay trắng và phản ứng của chúng tôi cũng không thể như vậy. Đây là lý do tại sao chúng ta cần tập trung vào việc loại bỏ rủi ro, chứ không phải tách rời nhau. Và đây là một phần lý do tại sao tôi sẽ sớm đến thăm Bắc Kinh cùng với Tổng thống Macron", nữ Chủ tịch EC nói thêm.
Trong khi để ngỏ khả năng hợp tác trong các lĩnh vực như đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và sức khỏe toàn cầu, Chủ tịch EC nói rằng, lĩnh vực hợp tác song phương đang bị thu hẹp, đặc biệt là trong vấn đề kinh tế.
"Trung Quốc đã sang trang của kỷ nguyên cải cách, mở cửa và đang chuyển sang một kỷ nguyên mới của an ninh và kiểm soát", bà Ursula von der Leyen nói.
Bài phát biểu của Chủ tịch EC được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo châu Âu thực hiện các hoạt động ngoại giao con thoi để tìm giải pháp cho cuộc chiến kéo dài tại Ukraine, trong đó chú trọng nỗ lực thúc đẩy vai trò của Trung Quốc.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez sẽ có cuộc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình vào ngày 31/3 trong khi nhà ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrell sẽ dừng chân ở Bắc Kinh trên đường tới cuộc họp của các ngoại trưởng G7 tại Nhật Bản vào tháng 4 tới. Mục tiêu hàng đầu của họ là tranh thủ sự giúp đỡ của Trung Quốc trong nỗ lực chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.
Theo dantri.com.vn