Ấn Độ phản đối Trung Quốc đặt tên các khu vực mà New Delhi tuyên bố thuộc bang Arunachal Pradesh của nước này, trong khi Bắc Kinh cho rằng đây là một phần lãnh thổ của họ.
Một khu vực ở biên giới Ấn Độ - Trung Quốc (Ảnh minh họa: AFP).
Reuters đưa tin, Ấn Độ hôm 4/4 lên tiếng phản đối động thái của Trung Quốc hồi cuối tuần qua khi đặt tên các địa điểm thuộc khu vực 2 tranh chấp về vấn đề chủ quyền.
Cụ thể, Bộ Nội vụ Trung Quốc đã phát đi một tuyên bố về việc "tiêu chuẩn hóa" tên của 11 địa điểm, bao gồm 5 ngọn núi, ở nơi mà Trung Quốc gọi là khu vực phía nam Tây Tạng.
Tuyên bố bao gồm một bản đồ cho thấy 11 địa điểm được Trung Quốc đổi tên thành "Zangnan", hoặc nam Tây Tạng trong tiếng Trung Quốc, bao gồm cả khu vực ở bang Arunachal Pradesh.
New Delhi đã bác bỏ động thái này, cho rằng đây là lãnh thổ của Ấn Độ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi cho biết: "Arunachal Pradesh đã, đang và sẽ luôn là một phần không thể tách rời của Ấn Độ".
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh hôm 4/4 tuyên bố, việc đổi tên các địa điểm "hoàn toàn nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc".
"Khu vực phía nam Tây Tạng là lãnh thổ của Trung Quốc", bà Mao nói.
Năm 1962, Trung Quốc và Ấn Độ đã nổ ra chiến sự dọc theo các phần của đường biên giới dài 3.800 km chưa được phân định rõ ràng. Căng thẳng nóng lên trong những năm gần đây khi 2 nước xảy ra các cuộc đụng độ tại những khu vực tranh chấp.
Một sự kiện đỉnh điểm là cuộc đụng độ vào năm 2020 ở Ladakh, Himalaya, khiến ít nhất 24 binh sĩ ở 2 bên thiệt mạng. Đây được xem là lần đầu tiên trong hơn 40 năm, một vụ đụng độ ở khu vực tranh chấp chủ quyền giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ gây chết người.
Kể từ cuộc giao tranh, căng thẳng giữa 2 nước liên tục leo thang khi các bên đều triển khai quân nhân và vũ khí dồn dập tới các điểm "nóng". Tuy nhiên, hai nước sau đó đã thống nhất xuống thang căng thẳng ở biên giới và cũng bắt đầu rút bớt quân, xe tăng, khí tài quân sự khỏi khu vực Ladakh.
Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar tháng trước thừa nhận, tình hình ở khu vực Ladakh đang mong manh và nguy hiểm khi lực lượng của New Delhi và Trung Quốc triển khai rất gần nhau ở một số khu vực.
Đức Hoàng