Hệ quả của biến đổi khí hậu

Thứ 7, 22.04.2023 | 09:12:41
666 lượt xem

Người dân ở nhiều khu vực Nam Á và Đông Nam Á đang trải qua đợt nắng nóng kỷ lục, được cho là do tác động của biến đổi khí hậu. Tình trạng nắng nóng trên diện rộng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và đời sống của người dân.

Nắng nóng kỷ lục đang diễn ra nhiều nơi tại Pakistan. (Ảnh: THE THIRD POLE)


Người dân Bangladesh đang hứng chịu sự oi bức, ngột ngạt của thời tiết khi nhiệt độ tăng cao nhất trong gần 60 năm qua. Theo dữ liệu của Chính phủ Bangladesh, nhiệt độ trung bình trong một tuần tính đến ngày 19/4 tại thủ đô Dhaka lên tới 41,6 độ C, cao hơn 4,3% so với tuần trước đó, 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất được ghi nhận kể từ những năm 1960.

Riêng ngày 19/4, mức nhiệt cao nhất được ghi nhận lên tới 42,8 độ C ở miền tây Bangladesh. Hàng trăm người tụ tập tại Dhaka để cầu mưa với hy vọng giúp giảm nắng nóng khó chịu. Trong khi đó, ở Ấn Độ, ít nhất 13 người chết vì sốc nhiệt tại một sự kiện tổ chức ngoài trời ở miền tây nước này ngày 16/4 vừa qua.

Các đợt nắng nóng khắc nghiệt đang làm gia tăng gánh nặng đối với ngành nông nghiệp, kinh tế và y tế cộng đồng của Ấn Độ, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang làm suy yếu những nỗ lực dài hạn của quốc gia Nam Á này nhằm giảm nghèo đói, bất bình đẳng và bệnh tật.

Trong nghiên cứu mới được công bố ngày 19/4, nhóm chuyên gia thuộc Đại học Cambridge (Anh) cho biết, kể từ năm 1992, nắng nóng đã cướp đi sinh mạng của hơn 24.000 người, làm gia tăng tình trạng ô nhiễm không khí và đẩy nhanh tốc độ băng tan ở khu vực miền bắc Ấn Độ.

Nghiên cứu cũng lưu ý Ấn Độ đang đối mặt hàng loạt hiểm họa khí hậu, với thời tiết cực đoan xảy ra gần như mỗi ngày trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 10/2022.

Tiến sĩ Ramit Debnath (R.Đép-nát) phụ trách nhóm chuyên gia cảnh báo, có tới 90% tổng diện tích Ấn Độ hiện nằm trong vùng nhiệt độ vô cùng cao trong khi quốc gia Nam Á chưa có sự chuẩn bị đầy đủ để ứng phó những nguy cơ và hệ lụy của hiện tượng thời tiết cực đoan.

Trong nghiên cứu mới được công bố ngày 19/4, nhóm chuyên gia thuộc Đại học Cambridge (Anh) cho biết, kể từ năm 1992, nắng nóng đã cướp đi sinh mạng của hơn 24.000 người, làm gia tăng tình trạng ô nhiễm không khí và đẩy nhanh tốc độ băng tan ở khu vực miền bắc Ấn Độ.

Chuyên gia này cho rằng, Ấn Độ đã triển khai khá nhiều biện pháp nhằm đối phó sóng nhiệt, nhưng vẫn cần đẩy nhanh tốc độ thực hiện các kế hoạch này. Các biện pháp thích nghi được đánh giá là khá mạnh mẽ, song mới chỉ dừng lại trên văn bản mà chưa được đưa vào vận hành.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo các đợt nắng nóng đang làm suy yếu những nỗ lực của Ấn Độ trong việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Cụ thể, nắng nóng cực đoan có thể làm giảm 15% năng suất làm việc ngoài trời của nông dân, làm giảm chất lượng cuộc sống của 480 triệu người và gây thiệt hại 2,8% GDP của Ấn Độ vào năm 2050.

Theo Báo cáo minh bạch khí hậu được các nhóm nghiên cứu và bảo vệ môi trường công bố năm ngoái, năng suất sụt giảm do tác động của nhiệt độ tăng cao có thể khiến Ấn Độ gánh chịu thiệt hại tương đương 5,4% GDP.

Thái Lan cũng đang trải qua đợt nắng nóng bất thường khi mùa mưa hằng năm còn chưa bắt đầu. Theo các chuyên gia khí tượng, người dân Đất nước nụ cười vừa đón Tết té nước cổ truyền Songkran với nền nhiệt cao nhất nhiều năm qua. Ngày 20/4, Cục Khí tượng Thái Lan cho biết nhiệt độ đã tăng lên mức cao kỷ lục hơn 50oC tại thủ đô Bangkok, 44,6oC tại tỉnh miền tây Tak và cảnh báo thời tiết khắc nghiệt sẽ tiếp diễn những ngày tới.

Thông thường, Thái Lan ghi nhận đợt nắng nóng cao điểm vào tháng 5, trước khi bước vào mùa mưa. Tuy nhiên, năm nay nắng nóng đến sớm hơn và cường độ mạnh hơn. Theo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC), tình trạng nóng lên toàn cầu đang làm trầm trọng thêm các hiện tượng thời tiết bất lợi.

Nhà khoa học Fahad Saeed (Ph.Xa-ít) thuộc Viện Chính sách khí hậu Climate Analytics có trụ sở tại Pakistan cho biết, nắng nóng kỷ lục năm nay ở Thái Lan, Trung Quốc và các nước Nam Á là một xu hướng khí hậu rõ rệt và sẽ gây ra những thách thức về sức khỏe cộng đồng nhiều năm tới.

Theo ông, nhiệt độ tăng cao là hệ quả của biến đổi khí hậu và tác động của tình trạng này đối với các nhóm dân cư dễ bị tổn thương sẽ rất nghiêm trọng. Tình trạng nắng nóng khắc nghiệt ảnh hưởng nặng nề nhất tới người nghèo, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng của những người không có điều kiện tiếp cận hệ thống làm mát hoặc nơi tránh trú thích hợp.


BÌNH MINH

https://nhandan.vn/he-qua-cua-bien-doi-khi-hau-post749116.html

  • Từ khóa