Bản tin Quân sự thế giới hôm nay (24-4) có những thông tin đáng chú ý sau: Biểu tình phản đối NATO nổ ra khắp Thụy Điển; các nước gấp rút sơ tán người khỏi Sudan; Israel bán tên lửa đánh chặn Arrow-3 cho Đức.
* Biểu tình phản đối NATO nổ ra trên khắp Thụy Điển
Biểu tình đã nổ ra ở 17 thành phố ở Thụy Điển phản đối Thụy Điển tổ chức cuộc tập trận quân sự quốc tế Aurora 23 và việc quốc gia Bắc Âu này nộp đơn xin gia nhập NATO.
Các tổ chức như Hiệp hội Hòa bình và Trọng tài phán xử Thụy Điển, Tổ chức KHÔNG NATO, Tổ chức Không Vũ khí hạt nhân và nhiều đảng phái chính trị đã tổ chức các cuộc biểu tình với những thông điệp “Nói KHÔNG với NATO”, “Cuộc chiến của NATO sẽ khiến lũ trẻ của chúng ta bị giết chỉ vì một đồng đô la” và “Dừng ngay cuộc tập trận Aurora 23”.
Người dân Thụy Điển biểu tình phản đối NATO và cuộc tập trận Aurora 23. Ảnh: Mehr News Agency |
Cuộc tập trận Aurora 23 do Thụy Điển tổ chức đang diễn ra với sự tham gia của 26.000 quân chủ yếu từ các quốc gia thành viên NATO. Kịch bản tập trận giả định các khu vực phía nam Thụy Điển bị tấn công vũ trang sau nhiều hoạt động phá hoại và gây ảnh hưởng khác nhau. Cuộc tập trận có mục đích nâng cao khả năng hỗ trợ và tiếp nhận hỗ trợ từ các đơn vị quân sự nước ngoài trợ giúp Thụy Điển trong trường hợp khẩn cấp về quốc phòng.
Liên quan tư cách thành viên NATO, dù cả Thụy Điển và Phần Lan đều nộp đơn xin gia nhập NATO nhưng đầu tháng 4 vừa qua mới chỉ có Phần Lan trở thành thành viên thứ 31 của NATO. Thụy Điển vẫn còn nhiều vướng mắc với Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ, khiến bước đường gia nhập NATO của quốc gia Bắc Âu này hết sức khó khăn. Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mới đây đã nhận định Thụy Điển sẽ trở thành thành viên thứ 32 của khối trước cuộc họp thượng đỉnh NATO vào tháng 7 này.
* Mỹ, Anh gấp rút đưa nhân viên đại sứ quán rời khỏi Sudan
Anh đã gửi 1.200 nhân viên quân sự tới Sudan để thực hiện các chuyến bay giải cứu nhân viên đại sứ quán và gia đình họ khỏi quốc gia Tây Phi này. Trong khi đó, quân đội Mỹ cũng gấp rút đưa các nhân viên ngoại giao của mình rời khỏi Sudan.
Theo Văn phòng Đối ngoại, Thịnh vượng chung và Phát triển, Lữ đoàn tấn công đường không số 16 của Thủy quân lục chiến đã phối hợp Không quân hoàng gia Anh tiến hành các hoạt động giải cứu toàn bộ nhân sự Đại sứ quán Anh và gia đình ở thủ đô Khartoum. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết việc giải cứu nhân viên đại sứ quán nước này diễn ra hết sức khó khăn do địa điểm của đại sứ quán nằm giữa sở chỉ huy của hai bên xung đột.
Xung đột giữa quân đội Sudan và Lực lượng bán quân sự RSF đã diễn ra hơn một tuần nay. Ảnh: Reuters |
Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Khartoum sẽ tạm dừng hoạt động và toàn bộ nhân viên ngoại giao Mỹ ở đây đã được đưa đến nơi an toàn. Ông Blinken nói: “Đưa ra quyết định dừng hoạt động của một đại sứ quán luôn là điều khó khăn, nhưng trách nhiệm và ưu tiên cao nhất của chúng tôi là đảm bảo an toàn cho nhân viên của mình”.
Xung đột vũ trang toàn diện đã nổ ra giữa quân đội Sudan và Lực lượng bán quân sự RSF trong hơn một tuần nay, khiến hơn 400 người thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương. Trước đó, nhân viên các đại sứ quán Pháp và Italy cũng đã rời khỏi Khartoum.
* Theo Military Leak, Bộ Quốc phòng Israel đã khởi động quy trình đàm phán hợp đồng bán hệ thống tên lửa đánh chặn siêu thanh Arrow-3 cho Đức. Quyết định này không có gì đáng ngạc nhiên khi từ lâu Israel đã có các quan hệ kinh tế và quân sự chặt chẽ với các nước Tây Âu. Hãng thông tấn AP đưa tin, chỉ cách đây 2 tuần, Israel cũng bắt đầu các bước đàm phán để bán một hệ thống phòng thủ tên lửa khác cho thành viên mới nhất của NATO (Phần Lan). Israel cũng đã nhiều lần từ chối yêu cầu bán vũ khí cho Ukraine vì sợ làm mất lòng Nga.
Đức đã chọn tên lửa đánh chặn Arrow-3 của Israel thay vì hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối của Lockheed Martin. Ảnh: Military Leak |
Đức đã chọn hệ thống tên lửa đánh chặn Arrow-3 của Israel thay vì hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Tập đoàn Lockheed Martin. Đây là quyết định có thể đoán trước được do trước đây Đức đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến tên lửa đánh chặn Arrow-3 do hệ thống phòng thủ tên lửa này có khả năng tiêu diệt tên lửa tầm xa bên từ bên ngoài bầu khí quyển.
Arrow-3, hay còn gọi là Hetz-3, là tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo do Israel và Mỹ cùng đầu tư, phát triển và sản xuất. Được thực hiện bởi Công ty hàng không vũ trụ IAI của Israel và Boeing của Mỹ, dự án được giám sát bởi Cơ quan “Homa” của Bộ Quốc phòng Israel và Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ. Tên lửa đánh chặn Arrow-3 có khả năng tiêu diệt tên lửa đạn đạo siêu thanh ngoại khí quyển, bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân, vũ khí hóa học, sinh học hoặc tên lửa thông thường. Với khả năng chuyển hướng của động cơ, tên lửa đánh chặn Arrow-3 có thể chuyển hướng đột ngột, xoay vòng để quan sát các mục tiêu đang đến gần và tấn công tiêu diệt. Arrow-3 có thể đạt tầm bắn lên tới 2.400km và tấn công các vệ tinh trong không gian, đưa Israel trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới có khả năng bắn hạ vệ tinh.
Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.
HỮU DƯƠNG