Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhận định nguy cơ xung đột giữa các cường quốc đang ở mức cao nhất trong lịch sử. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cũng cảnh báo thế giới đang “nguy hiểm hơn” thời Chiến tranh Lạnh.
Bộ trưởng Lavrov đã chủ trì một cuộc họp về chủ nghĩa đa phương và hiến chương thành lập Liên Hiệp Quốc (LHQ) khi Nga nắm giữ chức chủ tịch luân phiên hàng tháng của Hội đồng Bảo an LHQ vào tháng 4.
Tại cuộc họp ngày 24-4, ông Guterres (ngồi cạnh ông Lavrov trong cuộc họp Hội đồng Bảo an LHQ) chỉ trích chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, cho rằng nó tàn phá Ukraine và thúc đẩy sự xáo trộn kinh tế toàn cầu vốn đã hỗn loạn sau đại dịch COVID-19.
Theo ông Guterres, thế giới đang đối mặt với những cuộc khủng hoảng chưa từng có, hệ thống đa phương đang chịu áp lực lớn nhất kể từ khi LHQ được thành lập.
Tổng thư ký Liên LHQ nhấn mạnh: "Căng thẳng giữa các cường quốc đang ở mức cao nhất trong lịch sử. Nguy cơ xung đột do rủi ro hoặc tính toán sai lầm cũng vậy".
Ông Guterres kêu gọi các nước thành viên LHQ sử dụng công cụ ngoại giao để giải quyết các xung đột một cách hòa bình.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres (trái) phát biểu trong khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lắng nghe tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ ngày 24-4. Ảnh: AP
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đánh giá thế giới đang tiến đến một ranh giới rất nguy hiểm, hơn cả thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Theo ông Lavrov, nguyên nhân là do nhiều nước mất niềm tin vào chủ nghĩa đa phương.
Bộ trưởng Nga cáo buộc chính sách trừng phạt đơn phương của phương Tây đã phá hủy lợi ích của toàn cầu hóa. Ông Lavrov kêu gọi các nước "làm sống lại văn hoá đối thoại giữa các quốc gia".
Ông Lavrov cho rằng LHQ đang "chịu đựng một cuộc khủng hoảng sâu sắc" và cáo buộc các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, phải chịu trách nhiệm.
Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya nói chuyện với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ ngày 24-4. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters, một loạt nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ (trong đó có Mỹ, Pháp và Anh) đã lên án Nga vì cuộc chiến ở Ukraine tại cuộc họp.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield cáo buộc Nga vi phạm Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.
Đại sứ Olof Skoog, Trưởng Phái đoàn Thường trực Liên minh châu Âu (EU) tại LHQ, cho biết: "Bằng cách tổ chức cuộc họp này, Nga đang cố gắng thể hiện mình là người bảo vệ hiến chương LHQ và chủ nghĩa đa phương".
Theo ông, nếu Moscow quan tâm đến chủ nghĩa đa phương thì đã tôn trọng kết quả bỏ phiếu của Đại hội đồng LHQ trước đây về việc yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine.
Trong phiên họp bất thường của Đại hội đồng ngày 2-3, đa số thành viên Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết yêu cầu Nga ngay lập tức rút khỏi Ukraine. 141 trong số 193 quốc gia thành viên đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết này.
Huệ Bình