Bản tin Quân sự thế giới hôm nay (27-4) có những thông tin đáng chú ý sau: Liên hợp quốc cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm lệnh cấm vận vũ khí khi gửi máy bay không người lái vũ trang Bayraktar TB2 cho Somali, liên quân Mỹ - Philippines diễn tập tấn công tàu mặt nước, Hải quân Ấn Độ mua thêm tên lửa của Mỹ và Nga.
* Theo Nordic Monitor, một báo cáo của các điều tra viên Liên hợp quốc cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Somalia khi cung cấp máy bay không người lái có vũ trang cho nước này mà không thông báo và được sự chấp thuận của Liên hợp quốc.
Cụ thể, theo báo cáo của Hội đồng chuyên gia về Somalia - cơ quan giám sát xung đột ở Somalia thành lập theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - máy bay không người lái có vũ trang Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ đã có mặt ở Somali.
Máy bay không người lái Bayraktar TB2 cúa Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Nordic Monitor |
Nguồn thông tin tình báo các điều tra viên của Liên hợp quốc tiếp cận được chỉ ra rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã bàn giao máy bay không người lái Bayraktar TB2 cho Mogadishu vào ngày 6-12-2021. Số lượng máy bay không người lái chuyển giao không được tiết lộ nhưng tài liệu cho biết Bayratar TB2 đã được vận chuyển tới Somali bằng 2 máy bay vận tải quân sự Airbus A400M của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã không thể nộp đơn xin miễn trừ (thông báo để không vi phạm lệnh cấm vận vũ khí) tới Liên hợp quốc trước khi gửi máy bay không người lái tới Somali bất chấp một thực tế là nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc quy định rõ ràng các quốc gia phải được miễn trừ trước khi bàn giao bất kỳ vũ khí nào, trong đó có máy bay không người lái có vũ trang, cho Somalia.
Phản ứng trước thư yêu cầu giải trình từ Liên hợp quốc, phía Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ bàn giao máy bay không người lái cho một căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ đóng ở Mogadishu và mục đích là góp phần vào cuộc chiến chống khủng bố và “không chuyển bất kỳ máy bay không người lái có vũ trang nào cho chính quyền Somalia”.
* Quân đội Mỹ và Philippines diễn tập bắn đạn thật tiêu diệt mục tiêu tàu mặt nước trong cuộc tập trận lớn nhất từ trước tới nay giữa hai nước đồng minh. Đây là lần đầu tiên Mỹ và Philippines tổ chức tập trận có nội dung bắn đạn thật vào mục tiêu giả định trên vùng biển tranh chấp phía Bắc Manila. Tham dự hoạt động diễn tập này có Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos và các quan chức quân đội Philippines và Mỹ.
Quân đội Philippines bắn lựu pháo 155mm tại diễn tập bắn đạn thật trong khuôn khổ cuộc tập trận chung Balikatan giữa Mỹ và Philippines ngày 26-4. Ảnh: AFP qua trang The Peninsula |
Nội dung tập trận bắn đạn thật bắt đầu với hỏa lực của hệ thống pháo phóng loạt HIMARS hướng vào tọa độ của mục tiêu giả định sử dụng một tàu hộ tống đã được loại biên của Hải quân Philippine đặt cách bờ biển 22km (khoảng 12 hải lý). Con tàu giả định tiếp cận bờ biển Philippines và bị máy bay chiến đấu F-35B Lightning II đánh chìm trước khi pháo binh liên quân Mỹ - Philippines tham gia tấn công.
Đây là một nội dung diễn tập trong khuôn khổ cuộc tập trận Balikatan nhằm mục đích tăng cường khả năng quân sự của Manila đồng thời thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với đồng minh Đông Nam Á. Bắt đầu diễn ra từ ngày 11-4, cuộc tập trận thường niên Balikatan 2023 có sự tham gia của gần 18.000 binh sĩ và trực thăng Mỹ đã đổ quân xuống một hòn đảo phía Bắc đảo Luzon. Balikatan năm nay diễn ra sau khi Mỹ và Philippines đạt được một thỏa thuận công bố hồi đầu tháng 4 cho phép các lực lượng quân sự của Mỹ triển khai thêm quân tới 4 căn cứ nữa, nâng tổng số căn cứ quân sự Mỹ có thể tiếp cận ở Philippines lên con số 9.
* Hải quân Ấn Độ sẽ mua bổ sung thêm các hệ thống tên lửa của cả Mỹ và Nga
Trong một nỗ lực tìm cách tăng cường sức mạnh hải quân, Ấn Độ dự kiến sẽ mua tên lửa Harpoon của Mỹ song song với tên lửa Klub của Nga. Theo India Today, các nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ cho biết đề xuất này hiện đang được chính phủ xem xét và sẽ sớm được thông qua để tiến hành các thủ tục mua sắm.
Tên lửa Harpoon đạt mức giá kỷ lục (khoảng 2,25 triệu USD/quả). Ảnh: Hải quân Mỹ |
Đề xuất mua sắm bao gồm hệ thống tên lửa Harpoon của Mỹ. Harpoon là hệ thống tên lửa chống hạm có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, bay theo quỹ đạo hành trình tầm thấp trên biển và có dẫn đường bằng radar chủ động. Hệ thống tên lửa Harpoon mà Ấn Độ sẽ mua bao gồm một bộ thử nghiệm chung, một trạm bảo trì, phụ tùng thay thế và thiết bị sửa chữa, hỗ trợ và bắn thử, tài liệu kỹ thuật hướng dẫn và gói đào tạo lực lượng sử dụng. Ngoài ra, Ấn Độ cũng sẽ được hưởng các dịch vụ hỗ trợ từ chính phủ Mỹ và nhà sản xuất Boeing.
Đề xuất mua sắm cũng liệt kê khoản đầu tư mua bổ sung khoảng 20 tên lửa Klub của Nga trang bị cho cả tàu ngầm và tàu mặt nước Hải quân Ấn Độ. Tên lửa Klub không phải là mới và đã được Hải quân Ấn Độ sử dụng trong nhiều thập kỷ nay.
Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.
QUÝ CHUNG