Bản tin Quân sự thế giới hôm nay (28-4) có những thông tin đáng chú ý sau: Phiến quân tấn công đơn vị quân đội Burkina Faso khiến 33 người thiệt mạng; Belarus tăng cường hợp tác quốc phòng với Iran và Trung Quốc; chi tiêu quân sự toàn cầu tăng mạnh.
* Một đơn vị quân đội ở Ougarou, Vùng Est, phía đông Burkina Faso đã bị tấn công, khiến 33 binh sĩ thiệt mạng và 12 người khác bị thương. Chính phủ Burkina Faso cho biết đây là đợt bạo lực mới nhất ở quốc gia Tây Phi này. Thông báo của quân đội cũng cho biết trong vụ tấn công nói trên, đơn vị quân đội chính phủ đã tiêu diệt ít nhất 40 tay súng khủng bố trước khi quân tiếp viện đến.
Burkina Faso là một trong số các quốc gia Tây Phi đang chìm trong bạo lực. Ảnh: Reuters |
Burkina Faso là một trong số các quốc gia Tây Phi đang phải vật lộn trong cuộc chiến với bạo lực do lực lượng Hồi giáo cực đoan gây ra, lan rộng từ nước láng giềng Mali trong một thập kỷ qua, khiến hàng nghìn người thiệt mạng và 2 triệu người phải đi tị nạn.
Bạo lực ở Burkina Faso đặc biệt gia tăng trong những tháng gần đây khi nhà chức trách phải vật lộn để giành lại kiểm soát các khu vực bằng các hoạt động an ninh tăng cường. Trong khi đó, lực lượng vũ trang chính phủ cũng bị cáo buộc giết hại dân thường khi tiến hành các hoạt động chống phiến quân. Theo Liên hợp quốc, quân đội đã giết hại ít nhất 150 người trong một cuộc đột kích vào một ngôi làng ở miền bắc Burkina Faso vào tuần trước.
* Belarus tăng cường hợp tác quân sự với nhiều quốc gia
Theo Belta, Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Iran Mohammad Reza Ashtiani tại New Delhi, Ấn Độ trong khuôn khổ các cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Tại cuộc gặp mặt, 2 bên nhất trí cho rằng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, củng cố các nỗ lực chung, tăng cường hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau sẽ góp phần duy trì và củng cố hòa bình và an ninh. Bộ trưởng Quốc phòng Belarus và Iran cũng nhấn mạnh tiềm năng và triển vọng hợp tác trên thực tế và tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác quân sự.
Bộ trưởng Quốc phòng Belarus và Iran nhấn mạnh tiềm năng và triển vọng hợp tác quân sự trên thực tế. Ảnh: Belta |
Cũng tại New Delhi, Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin đã hội kiến Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc. Tại đây, các bên đã nhấn mạnh mối quan hệ song phương cấp cao Belarus - Trung Quốc. Đại diện 2 Bộ Quốc phòng cũng trao đổi về thực trạng và triển vọng hợp tác trong lĩnh vực quân sự trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động. Ông Viktor Khrenin và người đồng cấp Trung Quốc đã chỉ ra con đường thúc đẩy hợp tác sâu rộng cho các quân, binh chủng và cơ quan quân sự 2 nước.
* Chi tiêu quân sự toàn cầu tăng mạnh trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine và căng thẳng địa chính trị
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), cuộc chiến ở Ukraine và những căng thẳng gia tăng trong quan hệ quốc tế đã khiến chi tiêu quân sự toàn cầu tăng 3,7%, lên mức 2,24 nghìn tỷ USD, trong đó châu Âu có mức tăng cao nhất trong vòng 30 năm qua. Đây là năm thứ 8 liên tiếp chi tiêu quân sự toàn cầu tăng trưởng mạnh.
Chi tiêu quân sự tăng mạnh trong năm 2022 khi các nước phương Tây và đồng minh NATO liên tục gửi vũ khí tới Ukraine sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Ngoài ra, xung đột Ukraine cũng khiến các quốc gia châu Âu tiếp tục củng cố tiềm lực quân sự và Nga cũng thúc đẩy chi tiêu cho phát triển vũ khí. Điều này cũng là một nguyên nhân khiến chi tiêu quân sự toàn cầu tăng thêm rõ rệt.
Chi tiêu quân sự toàn cầu tăng mạnh trong năm 2022. Ảnh: Getty Images |
Với căng thẳng địa chính trị ở châu Á, đặc biệt là khủng hoảng tên lửa trên bán đảo Triều Tiên, và xung đột ở các quốc gia châu Phi, chi tiêu quốc phòng của nhiều nước sẽ còn tiếp tục tăng, dẫn đến chi tiêu quân sự toàn cầu sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Nan Tian, một chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại SIPRI, cho biết: "Chi tiêu quân sự toàn cầu liên tục gia tăng trong những năm gần đây là dấu hiệu cho thấy chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng bất an". Kết quả là số lượng đơn đặt hàng các loại vũ khí, khí tài tăng vọt trong bối cảnh các nhà thầu quốc phòng ở nhiều nơi trên thế giới đang thiếu hụt trầm trọng lực lượng lao động.
Cho đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia có chi tiêu quân sự cao nhất thế giới, với khoản chi 877 tỷ USD vào năm ngoái, gấp ba lần quốc gia có chi tiêu quân sự lớn thứ hai là Trung Quốc.
Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.
QUÝ CHUNG