Phương tây gặp thế khó trước đề nghị viện trợ gấp 10 lần cho Ukraine

Thứ 7, 29.04.2023 | 16:57:04
860 lượt xem

Ukraine kêu gọi phương Tây tăng viện trợ quân sự gấp 10 lần nhằm giúp Kiev chấm dứt cuộc xung đột với Nga, trong khi Mỹ và các đồng minh có dấu hiệu "hụt hơi" trong nỗ lực cung cấp khí tài.

Đầu tháng 3, hàng loạt tài liệu mật của tình báo Mỹ bất ngờ bị phát tán trên các nền tảng mạng xã hội, bắt nguồn từ một phòng trò chuyện trực tuyến của các game thủ. Theo New York Times, các tài liệu của Lầu Năm Góc bị rò rỉ đã tiết lộ sự "thất bại" của phương Tây trong việc cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine. Cụ thể, Mỹ và các đồng minh được cho là không cung cấp đủ xe tăng, đạn pháo và các trang thiết bị khác mà quân đội Ukraine cần cho một cuộc phản công mùa xuân nhằm đẩy lùi Nga.

Các nhà hoạch định quân sự Mỹ ước tính Ukraine sẽ cần 253 xe tăng cho cuộc phản công sắp tới, nhưng chỉ có 200 chiếc được tập hợp vào cuối tháng 2. Trong số đó, 140 chiếc là thiết kế của Liên Xô, trong khi chỉ 60 xe tăng do phương Tây sản xuất sẽ được chuyển giao vào tháng 4. Theo tài liệu bị rò rỉ, chiến dịch phản công sẽ do Quân đoàn tác chiến số 10 của Ukraine đảm nhiệm, gồm 9 lữ đoàn được Mỹ và các đồng minh trang bị, huấn luyện. Các nhà phân tích ước tính, một lữ đoàn của Ukraine gồm khoảng 4.000-5.000 binh sĩ và tổng cộng khí tài cần cho 9 lữ đoàn này gồm 253 xe tăng, 381 xe cơ giới, 480 xe quân sự, 147 khẩu pháo, 571 xe bọc thép Humvee của Mỹ.

New York Times cho rằng phương Tây đang gặp khó khăn trong việc thực hiện cam kết cung cấp xe tăng, hệ thống phòng không, máy bay chiến đấu và các loại vũ khí khác cho Ukraine. 3 lữ đoàn Ukraine chuẩn bị cho cuộc phản công đều thiếu ít nhất 10 xe tăng mỗi lữ đoàn kể từ ngày 28/2.

Washington được cho là đã đẩy nhanh việc chuyển giao 31 xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams như đã cam kết cho Ukraine, nhưng phải đến khoảng cuối năm nay mới sẵn sàng chuyển giao. Khoảng hơn 10 xe tăng Challenger 2 của Anh đã được chuyển đến, trong khi hầu hết xe tăng Leopard do Đức sản xuất đang được tân trang lại.

Nguồn cung cấp đạn pháo 155mm của Ukraine đã giảm xuống còn 9.800 quả vào ngày 1/3, nhưng Mỹ đã giao thêm 30.000 quả trong 12 ngày tới. Ở thời điểm hiện tại, nhu cầu về đạn pháo của Ukraine "về cơ bản là vô hạn", trong khi ngành công nghiệp của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ sẽ "mất nhiều năm để bắt kịp nhu cầu". Theo nguồn tin của New York Times, Mỹ đề xuất cung cấp cho Ukraine bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB), có tầm bắn khoảng 140km, nhưng lưu ý rằng "việc sản xuất dù chỉ một lô nhỏ cũng có thể mất nhiều tháng".

Phương Tây gặp thế khó trước đề nghị viện trợ gấp 10 lần cho Ukraine - 1

Binh sĩ Ukraine vận hành lựu pháo của Mỹ ở Bakhmut (Ảnh: Getty).

Trong một bài viết đăng trên mạng xã hội Twitter hôm 22/4, Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrij Melnyk kêu gọi phương Tây tăng viện trợ quân sự gấp 10 lần nhằm giúp Kiev chấm dứt cuộc xung đột với Nga.

"Chúng tôi rất biết ơn các đồng minh của chúng tôi vì sự hỗ trợ quân sự của họ. Nhưng chúng vẫn chưa đủ. Ukraine cần gấp 10 lần như vậy để chấm dứt cuộc xung đột với Nga trong năm nay", ông Melnyk, cựu đại sứ Ukraine tại Đức, cho biết.

Ông Melnyk kêu gọi những người ủng hộ Ukraine ở phương Tây "vượt qua mọi lằn ranh đỏ giả tạo", ám chỉ tâm lý do dự của một số đồng minh trong việc cung cấp cho Ukraine các hệ thống vũ khí uy lực. Ông cũng kêu gọi các đồng minh chi 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Trong trường hợp của Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, chỉ riêng con số này đã tương đương hơn 39 tỷ USD. Tuy nhiên, nhà ngoại giao Ukraine cho rằng số tiền này vẫn rất nhỏ so với chi tiêu của quân Đồng minh trong Thế chiến II.

Theo Thứ trưởng Melnyk, cho đến nay, các nước đồng minh đã hỗ trợ tổng cộng khoảng 55 tỷ USD cho Ukraine. Trong khi đó, tướng Mark Milley, quan chức quân đội hàng đầu của Mỹ, cho biết "không có viên đạn bạc nào" mà Mỹ và các đồng minh có thể trao cho Ukraine để đảm bảo khả năng nước này đánh bại Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho rằng, khí tài Ukraine cần nhất hiện nay là các hệ thống phòng không được triển khai trên bộ.

Các trận chiến giành quyền kiểm soát miền Đông và miền Nam Ukraine sẽ quyết định cục diện xung đột trong những tháng tới. Để đạt được mục tiêu này, Ukraine đang tập trung binh sĩ và khí tài cho cuộc phản công lớn. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Kiev có hạn, thậm chí có thể rơi vào bế tắc. Nếu tình trạng này kéo dài, Ukraine sẽ trở nên lép vế, còn Nga sẽ là bên thắng thế.

"Nếu sự hỗ trợ của phương Tây kết thúc, Ukraine sẽ thua. Họ sẽ chiến đấu cho đến khi cái giá phải trả đắt đỏ đến mức họ phải đầu hàng và Nga sẽ giành chiến thắng", cựu tư lệnh lực lượng NATO tại châu Âu, tướng Philip M. Breedlove, nói với The Cipher Brief.

"Sự bế tắc và trì hoãn (phản công) đồng nghĩa với việc Nga sẽ giành chiến thắng. Các lực lượng Ukraine phải cho những người ủng hộ họ ở phương Tây thấy rằng đây không phải là cuộc chiến kéo dài mãi mãi. Vì cả hai lý do này, họ cần phải phản công", Mark Cancian, cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định.

Việc Ukraine chậm trễ phản công có thể giúp Nga có thêm thời gian cần thiết để củng cố các vị trí trên chiến trường, trong khi các đối tác phương Tây vẫn tập trung đánh giá lại các cam kết lâu dài của họ đối với khu vực. Đầu tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Vladimir Pistorius đã bày tỏ nghi ngờ rằng Đức có thể tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine với tốc độ hiện tại, do những khoảng trống hiện có trong kho dự trữ vũ khí của Đức.

"Thành thật mà nói, tương tự các quốc gia khác, kho dự trữ của chúng tôi cũng có hạn. Là bộ trưởng quốc phòng của Đức, tôi không thể cho đi mọi thứ". Ông Pistorius tuyên bố.

Tại Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken ngày 19/4 thông báo gói viện trợ mới trị giá 325 triệu USD cho Ukraine, bao gồm nhiều đạn dược hơn cho hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS, cũng như các hệ thống chống thiết giáp, vũ khí nhỏ, phương tiện hỗ trợ hậu cần và hỗ trợ bảo trì cần thiết để củng cố lực lượng phòng thủ của Ukraine trên chiến trường. Đây là gói viện trợ an ninh thứ 36 của Washington dành cho Kiev kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, nâng tổng viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine lên hơn 35,4 tỷ USD.

Bất chấp các khoản viện trợ trên, sự ủng hộ của người Mỹ dành cho Ukraine đang có xu hướng giảm sút. Theo kết quả thăm dò dư luận, khoảng 48% người Mỹ nói rằng họ ủng hộ mức viện trợ quân sự hiện tại cho Ukraine, trong khi vào tháng 5 năm ngoái, tỷ lệ ủng hộ khoảng 60%. Một quan chức Mỹ giấu tên nói với Reuters rằng, "mọi người đều hiểu rằng cuộc xung đột này phải kết thúc vào một thời điểm nào đó và tất cả chúng ta đều muốn thấy nó kết thúc sớm hơn là muộn". Trong khi đó, một số nhà lập pháp đảng Cộng hòa và các ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ cũng chỉ trích quy mô viện trợ của Washington dành cho Kiev.

Thế khó của phương Tây

Phương Tây gặp thế khó trước đề nghị viện trợ gấp 10 lần cho Ukraine - 2

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại cuộc họp của NATO (Ảnh: Reuters).

Trong bối cảnh cuộc xung đột được cho là có khả năng kéo dài sang năm 2024, Mỹ và các đồng minh phương Tây đang xây dựng các kế hoạch hỗ trợ quân sự mới cho Ukraine. Một cuộc phản công lớn của Ukraine sẽ đòi hỏi phương Tây phải tiếp tục viện trợ tài chính, vũ khí và đạn dược quy mô lớn. Tuy nhiên, điều này có nguy cơ vấp phải sự phản đối về chính trị ở chính các quốc gia phương Tây cũng như những hạn chế về năng lực viện trợ.

Dara Massicot, một chuyên gia về quân đội Nga tại Rand Corporation - một tổ chức tư vấn của Mỹ, dự đoán cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ trở thành một cuộc chiến tiêu hao mà cả hai bên đều phải trả giá đắt. Các đồng minh phương Tây của Ukraine đã nỗ lực giải quyết một số vấn đề về viện trợ, chẳng hạn tăng cường sản xuất và cung cấp đạn pháo 155mm. Họ cũng bắt đầu chuyển giao cho Ukraine một số bom dẫn đường bằng GPS tầm xa hơn. Một số quốc gia châu Âu đã thúc giục các quốc gia khác về việc tăng cường và đẩy nhanh hơn nữa nguồn cung viện trợ quân sự cho Ukraine.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Ukraine, Mỹ và một số đồng minh đã không thực hiện đúng cam kết "làm bất cứ điều gì" có thể để tránh tình trạng bế tắc trên thực địa. Một số quốc gia đã kêu gọi các đồng minh tăng cường hỗ trợ cho Ukraine trong những tháng gần đây. Người phát ngôn của tổng thống Ukraine, ông Mikhail Podolyak, cho biết Kiev "cần nhiều vũ khí tầm xa hơn để kết thúc chiến tranh một cách phù hợp".

Bloomberg dẫn lời Mykola Bielieskov, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia - một tổ chức tư vấn chính sách của Ukraine, cho rằng Mỹ nên cung cấp cho Ukraine tên lửa đất đối đất MGM-140 ATACMS do tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin Corp sản xuất. Tên lửa này có tầm bắn lên tới 300km và có thể được sử dụng để tấn công vào sâu các phòng tuyến của Nga. Điều này sẽ cho phép Ukraine cản trở hoạt động tiếp tế đạn dược và các nguồn dự trữ cần thiết cho các lực lượng Nga.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa cung cấp cho Ukraine loại tên lửa này vì lo ngại chúng có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Các quan chức Mỹ lo ngại, điều đó có thể khiến xung đột mở rộng. Nga nhiều lần lên án việc phương Tây chuyển giao xe tăng và vũ khí chính xác tầm xa cho Ukraine, cảnh báo đây là hành động leo thang căng thẳng.

Theo chuyên gia Bielieskov, vấn đề là cuối cùng vẫn bắt nguồn từ việc Ukraine và Mỹ có những ưu tiên khác nhau. Ông cảnh báo nếu Ukraine cạn kiệt hệ thống phòng không và phải đối phó với lực lượng không quân áp đảo và uy lực của Nga, thì "đó sẽ là cơn ác mộng" đối với Kiev.

Vào ngày 3/4, chính phủ Ba Lan xác nhận đã chuyển giao các máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ukraine, chỉ 11 ngày sau khi những chiếc MiG-29 đầu tiên của Slovakia được chuyển đến Ukraine. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov chỉ trích động thái này, thậm chí cảnh báo các máy bay này sẽ bị phá hủy, nhưng ông không lên tiếng về mối đe dọa leo thang căng thẳng. Tương tự như vậy, sự xuất hiện của các xe tăng Leopard đầu tiên của Đức và xe tăng Challenger của Anh ở Ukraine vào cuối tháng 3 chỉ vấp phải phản ứng tương đối nhẹ từ Điện Kremlin.

Phương Tây gặp thế khó trước đề nghị viện trợ gấp 10 lần cho Ukraine - 3

Vũ khí viện trợ cho Ukraine được tập kết tại sân bay Kiev (Ảnh: Reuters).

Brookings dẫn lời chuyên gia Steven Pifer nhận định, lằn ranh đỏ của Nga có vẻ ít nghiêm trọng hơn so với dự tính của phương Tây. Điều này đồng nghĩa với việc, Mỹ và phương Tây vẫn có khả năng nhất định trong việc viện trợ quân sự cho Ukraine mà không vượt qua các lằn ranh do Nga đặt ra trong một năm qua.

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bắt đầu nổ ra cách đây 14 tháng, các quan chức Mỹ đã nêu ra hai mục tiêu chính cho chính sách của Mỹ về cuộc chiến: thứ nhất, giúp Ukraine giành chiến thắng và đánh bại Nga về mặt quân sự; thứ hai, tránh đụng độ quân sự trực tiếp giữa NATO và Nga. Để cân bằng cả hai mục tiêu này, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thực hiện một cách tiếp cận thận trọng.

Chiến thuật của Washington và các thành viên NATO khi cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine là tính toán xem họ có thể viện trợ đến mức nào mà không vượt qua ngưỡng có thể gây ra xung đột trực tiếp giữa NATO và Nga. Một yếu tố làm phức tạp thêm tính toán này của phương Tây là Điện Kremlin cho đến nay vẫn không nêu cụ thể những gì mà họ coi là lằn ranh đỏ không thể chấp nhận được trong cuộc xung đột tại Ukraine. Trong những tuần đầu của cuộc chiến, các quy tắc ngầm dường như đã được hình thành giữa phương Tây và Nga liên quan đến việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 2/2023, chuyên gia về chính sách an ninh và đối ngoại của Nga Alexei Arbatov đã giải đáp câu hỏi về các lằn ranh đỏ của Moscow, điều mà ông cũng cho là quy tắc ngầm. Theo ông, quy tắc đầu tiên là "các quốc gia NATO không trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột, mặc dù họ cung cấp vũ khí cho Ukraine, và Nga không tấn công các quốc gia NATO".

Tổng thống Joe Biden, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và các nhà lãnh đạo NATO khác đã nhiều lần khẳng định, họ sẽ không gửi lực lượng Mỹ hoặc NATO đến để bảo vệ Ukraine. Điều này giải thích tại sao ý tưởng về một vùng cấm bay ở Ukraine đã vấp phải sự phản đối từ cách đây một năm. Nếu lập vùng cấm bay, các phi công NATO sẵn sàng bắn hạ máy bay Nga và tấn công các địa điểm đặt tên lửa đất đối không của Nga, thậm chí ở trên chính lãnh thổ Nga. Cho đến nay, quan điểm của phương Tây về vấn đề này vẫn không thay đổi, ngay cả khi xung đột kéo dài. Ukraine không yêu cầu phương Tây điều quân đến hỗ trợ, mà chỉ cần vũ khí.

Theo chuyên gia Arbatov, lằn ranh đỏ thứ hai là "các nước NATO không cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine để tấn công sâu vào trong lãnh thổ Nga". Ukraine cũng hiểu quy tắc này. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov hồi tháng 2 tuyên bố: "Chúng tôi luôn nhấn mạnh với các đối tác phương Tây rằng, chúng tôi sẽ không sử dụng vũ khí phương Tây để tiến hành các cuộc tấn công trên lãnh thổ Nga".

Do vậy, Mỹ và các đồng minh của Ukraine có thể tiếp tục cung cấp nhiều vũ khí hơn cho Kiev mà không vượt qua các lằn ranh đỏ của Nga. Theo đó, phương Tây có thể bổ sung xe tăng và xe chiến đấu bộ binh nhằm giúp Ukraine phản công, đẩy lùi quân đội Nga tại những khu vực Moscow đang kiểm soát; viện trợ tên lửa Tác chiến Lục quân (ATACMS) để Ukraine có thể sử dụng một cách hạn chế nhằm vào các mục tiêu của Nga; thậm chí cung cấp cả máy bay chiến đấu để Ukraine có thể sử dụng cho hoạt động phòng không và yểm trợ trên không mà không cần bay tới các mục tiêu ở Nga.

Các nhà phân tích Richard Haass và Charles Kupchan nhận định với Foreign Affairs rằng, kịch bản tốt nhất của phương Tây hiện nay là tiếp tục tăng cường năng lực quân sự của Ukraine thông qua các khoản viện trợ, sau đó, khi giao tranh hạ nhiệt vào cuối năm nay, đưa Moscow và Kiev từ chiến trường đến bàn đàm phán nhằm chấm dứt vĩnh viễn cuộc xung đột. Tuy nhiên, nước cờ này được cho là không dễ dàng, nhất là khi cả Nga và Ukraine hiện tại đều chưa có ý định xuống thang.


Thành Đạt

https://dantri.com.vn/the-gioi/phuong-tay-gap-the-kho-truoc-de-nghi-vien-tro-gap-10-lan-cho-ukraine-20230424140913765.htm

  • Từ khóa