Theo cựu Ngoại trưởng Mỹ, với vai trò trung gian của Trung Quốc, quá trình hòa đàm giữa Nga và Ukraine nhằm chấm dứt xung đột có thể bắt đầu vào cuối năm nay.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger (Ảnh: AFP).
Trả lời phỏng vấn hãng tin CBS ngày 7/5, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine có thể sắp đến bước ngoặt, một cuộc hòa đàm do Trung Quốc làm trung gian có thể bắt đầu vào cuối năm 2023.
"Hiện giờ, khi Trung Quốc bắt đầu tham gia vào các nỗ lực hòa đàm, tôi nghĩ rằng hòa đàm sẽ bắt đầu vào khoảng cuối năm nay", cựu nhà ngoại giao Mỹ nhận định. Ông tin rằng, đó sẽ là các cuộc đàm phán thực chất.
Hồi tháng 2, Trung Quốc đưa ra một kế hoạch hòa bình gồm 12 điểm nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải sự phản đối của Kiev và phương Tây. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, ông chỉ hoan nghênh một số điều khoản trong đó, song khẳng định sẽ không nhượng bộ Moscow. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Vladimir Putin mô tả bản đề xuất của Bắc Kinh khá tương đồng với quan điểm của Moscow.
Năm ngoái, ông Kissenger từng hứng chỉ trích của Kiev khi gợi ý Ukraine nên chấp nhận từ bỏ bán đảo Crimea, trao quyền tự trị cho hai vùng ly khai Donetsk, Lugansk ở miền Đông. Ông cho rằng, những lãnh thổ này nên trở thành nền tảng đàm phán sau khi các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn và Nga đồng ý rút quân.
Về phía Nga, Điện Kremlin nhiều lần tuyên bố luôn để ngỏ đàm phán với Ukraine nhưng chỉ với điều kiện Kiev chấp nhận "thực tế mới về lãnh thổ", gồm việc công nhận 4 tỉnh Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia sáp nhập vào Nga. Ngược lại, nếu Kiev không chấp nhận, Moscow chỉ còn cách giải quyết xung đột bằng biện pháp quân sự.
Về phía đồng minh phương Tây, các nước này khẳng định tiếp tục hỗ trợ quân sự, giúp Ukraine giành ưu thế trên chiến trường, từ đó nâng cao vị thế trên bàn đàm phán với Nga. Báo Wall Street Journal ngày 7/5 dẫn thông tin từ giới chức châu Âu cho hay, họ coi kế hoạch phản công sắp tới của Ukraine sẽ mở đường cho các cuộc hòa đàm giữa Moscow và Kiev. Điều này có thể là tín hiệu cho thấy sự thay đổi trong quan điểm của phương Tây về cuộc xung đột ở Ukraine. Các nước này lo ngại rằng, họ không thể duy trì mức độ viện trợ quân sự cần thiết cho Kiev trong tương lai khi cuộc chiến kéo dài.
Theo Wall Street Journal, một số nước phương Tây muốn thấy vai trò của Trung Quốc trong việc tháo ngòi xung đột Nga - Ukraine.
Phương Tây và Ukraine hiện chưa bình luận về thông tin trên.
Ukraine được cho đang tích cực chuẩn bị phản công nhằm giành lại lãnh thổ bị Nga kiểm soát. Tổng thống Zelensky hy vọng, quân đội nước này sẽ tiếp nhận thêm nhiều vũ khí từ phương Tây trong tháng 5 và tháng 6.
Trong khi đó, Tổng thống Séc Petr Pavel mới đây cảnh báo, Ukraine không nên vội vàng phản công bởi điều đó sẽ dẫn đến thất bại và những tổn thất lớn. Ông chỉ ra rằng, Ukraine không còn yếu tố bất ngờ giúp họ phản công thành công như ở khu vực Kharkov và Kherson năm ngoái. Theo ông Pavel, Kiev dường như nhận thức được rằng vẫn còn những lỗ hổng trong việc thực hiện một cuộc tấn công thành công nhằm đẩy các lực lượng Nga ra khỏi lãnh thổ. Trên hết, Ukraine cần nhiều đạn hơn.
Ông nói, phương Tây cần chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản sẽ không có bên nào chiến thắng hoàn toàn trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Theo dantri.com.vn