Bản tin Quân sự thế giới hôm nay (9-5) có những thông tin đáng chú ý sau: Nga thúc đẩy xuất khẩu tên lửa X-31PD có khả năng tấn công radar của hệ thống tên lửa phòng không; Ba Lan sẽ sớm được Lục quân Mỹ chuyển 8 trực thăng AH-64E Apache; Estonia đề nghị có lộ trình cụ thể cho Ukraine gia nhập NATO.
* Ba Lan đã đạt được thỏa thuận với Mỹ để tiếp nhận 8 máy bay trực thăng tấn công Boeing AH-64E Apache sớm hơn dự kiến sau chuyến thăm chính thức tới Washington ngày 5-5 của Bộ trưởng Quốc phòng Mariusz Błaszczak. Theo ông Błaszczak, đây là cam kết của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.
Theo FlightGlobal, năm 2022, Ba Lan đã công bố ý định mua 96 máy bay trực thăng tấn công có uy lực theo chương trình mua sắm Kruk và đã chọn trực thăng AH-64E Apache của Boeing thay vì AH-1Z Viper của Bell. Gần 100 chiếc AH-64 Apache sẽ thay thế phi đội 30 chiếc trực thăng Mi-24/35 từ thời Liên Xô hiện vẫn đang phục vụ trong quân đội Ba Lan.
Ba Lan có kế hoạch mua 96 chiếc trực thăng AH-64E Apache. Ảnh: Lục quân Mỹ |
Ông Blasczak cũng xác nhận kế hoạch Kruk không thay đổi, nhưng 8 chiếc AH-64E Apache do Lục quân Mỹ chuyển giao rõ ràng là nhằm mục đích nhanh chóng tăng cường năng lực cho quốc gia thành viên nằm ở sườn đông NATO này trong bối cảnh chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đang diễn ra khốc liệt ở Ukraine. Ba Lan cũng là nước có chung biên giới với cả Ukraine và Belarus.
Thông tin không cho biết liệu 8 chiếc AH-64E Apache sẽ được Lục quân Mỹ chuyển giao vĩnh viễn cho Ba Lan hay chỉ là cho mượn cho đến khi nước này nhận được số lượng trực thăng đã ký kết với Boeing. Công ty Boeing cũng không đưa ra bình luận nào khi được hỏi về mốc thời gian dự kiến bắt đầu giao hàng đợt một. Sau khi được chuyển giao, Ba Lan sẽ trở thành quốc gia thứ 18 vận hành trực thăng AH-64 Apache.
* Nga thúc đẩy xuất khẩu tên lửa X-31PD có khả năng tấn công hệ thống radar phòng không. Thông tin được công ty phát triển vũ khí Nga Rosoboronexport đưa ra cho biết tên lửa này có thể được sử dụng để tiêu diệt các hệ thống và máy bay chỉ huy, cảnh báo sớm trên không cũng như các trạm radar của tên lửa đất đối không tầm trung và tầm xa. Nga cũng tuyên bố tên lửa X-31PD đã được cải tiến có khả năng lẩn tránh và tiêu diệt tên lửa Patriot.
Tên lửa X-31PD được cho là có khả năng tấn công hệ thống radar phòng không. Ảnh: Defense Express |
Việc sản xuất hàng loạt tên lửa X-31PD đã được bắt đầu từ năm 2012. X-31PD được nâng cấp, khác với phiên bản cơ bản ở chỗ trọng lượng được tăng lên mức 715kg, có khả năng mang đầu đạn có trọng lượng tối đa 110kg và đạt tầm bắn 250km.
Hệ thống tên lửa đất đối không Patriot của Mỹ có tầm bắn tối đa 160km trong điều kiện bắn các mục tiêu là máy bay hoặc tên lửa hành trình. Để tiêu diệt được tên lửa này, các tham số vô tuyến và kỹ thuật của radar hệ thống tên lửa Patriot phải được nạp vào bộ nhớ của hệ thống dẫn đường tên lửa X-31PD. Hiệu quả lẩn tránh và tiêu diệt của tên lửa phụ thuộc chủ yếu vào dữ liệu đầu vào này cũng như cách dữ liệu đầu vào được lập trình có chuẩn xác hay không.
Với khả năng Rosoboronexport đưa ra, rất có thể “sát thủ” X-31PD sẽ nhắm đến mục tiêu xuất khẩu sang các quốc gia châu Á như Ấn Độ. Hôm nay, ngày 9-5, Nga sẽ tổ chức Lễ duyệt binh kỷ niệm 78 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại; rất có thể các loại vũ khí hiện đại, trong đó có X-31PD, sẽ xuất hiện trong sự kiện quan trọng này.
* Estonia yêu cầu phải có lộ trình rõ ràng cho việc xem xét kết nạp Ukraine vào khối NATO
Ngoại trưởng Estonia Margus Tsahkna. Ảnh: Reuters |
Theo Bloomberg, Ngoại trưởng Estonia Margus Tsahkna cho biết cần có một lộ trình cụ thể và rõ ràng cho Ukraine trở thành thành viên NATO thay vì những lời hứa mơ hồ về việc "cuối cùng Ukraine sẽ gia nhập khối" vốn đã được chứng minh là không hiệu quả. Ông nhấn mạnh: “Sẽ là không đủ nếu chỉ lặp đi lặp lại lập trường rằng Ukraine được NATO hoan nghênh. Chúng ta phải ngồi lại để đưa ra một thông điệp mạnh mẽ [về tư cách thành viên của Kiev]”.
Phản ứng trước đề xuất này, một số thành viên chủ chốt của NATO, đặc biệt là Mỹ, tỏ ra do dự trong việc xác định các bước đi tiếp theo để Ukraine có thể trở thành thành viên của khối, do lo ngại nguy cơ đẩy cao xung đột trực tiếp với Điện Kremlin. Thay vào đó, các nước thành viên NATO tập trung vào việc cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, đồng thời nhắc lại lời hứa của NATO rằng Ukraine cuối cùng sẽ trở thành thành viên của khối.
Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.
QUÝ CHUNG