Quân sự thế giới hôm nay (12-5): Chi tiêu quân sự Mỹ vẫn lớn hơn 144 nước cộng lại

Thứ 6, 12.05.2023 | 09:02:58
527 lượt xem

Quân sự thế giới hôm nay (12-5) có những tin chính sau: Chi tiêu quân sự Mỹ lớn hơn 10 nước kế tiếp và hơn 144 nước cộng lại; các bên xung đột ở Sudan ký thỏa thuận bảo vệ dân thường; Hàn Quốc bắn thử tên lửa tấn công pháo binh.

* Chi tiêu quân sự thế giới đã đạt mức cao kỷ lục 2,4 nghìn tỷ USD trong năm 2022

Dữ liệu mới nhất được Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố cho thấy con số này đã tăng 3,7% so với năm 2021, trong đó mức tăng mạnh nhất là ở các quốc gia châu Âu.

Mỹ vẫn là quốc gia chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới cho đến nay, đạt mức với 877 tỷ USD, chiếm 39% chi tiêu quân sự toàn cầu, gấp 3 lần quốc gia chi tiêu lớn thứ hai là Trung Quốc (292 tỷ USD) và gấp 10 lần so với quốc gia chi tiêu lớn thứ 3 là Nga (khoảng 86 tỷ USD).

Chi tiêu quân sự Mỹ lớn hơn 10 nước kế tiếp và hơn 144 nước cộng lại. Nguồn: SIPRI 

Chi tiêu quân sự Mỹ lớn hơn 10 nước kế tiếp và hơn 144 nước cộng lại. Nguồn: SIPRI 

Chi tiêu quân sự của Mỹ cũng lớn hơn 10 quốc gia kế tiếp (gồm Ukraine, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Anh, Saudi Arabia, Ấn Độ, Nga, và Trung Quốc) cộng lại, trong khi trong năm 2021 mức chi tiêu của Mỹ chỉ nhiều hơn lớn hơn 9 quốc gia kế tiếp. Nhiều quốc gia trong số 10 quốc gia tiếp theo này có liên kết địa chính trị với Mỹ, bao gồm Ukraine, quốc gia có mức tăng chi tiêu quân sự trong một năm cao nhất mà SIPRI từng ghi nhận, tăng 640% lên mức 44 tỷ USD kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt.

Tổng chi tiêu quân sự của Mỹ vẫn lớn hơn nhiều so với con số 514 tỷ USD của 144 quốc gia còn lại trên thế giới cộng lại. Khoản chênh lệch 363 tỷ USD đủ để trả chi phí cho năng lượng điện mặt trời cho tất cả mọi gia đình ở Mỹ trong 10 năm, đủ để xây dựng 43 triệu đơn vị nhà ở công cộng trong khi chỉ có khoảng hơn 38 triệu người hiện phải bỏ nhà đi tị nạn do xung đột và chiến tranh giai đoạn hậu 11-9. Đầu tư quá mức vào quân sự là nguyên nhân chính gây ra các cuộc khủng hoảng mà con người đang phải đối mặt.

Xung đột ở Sudan giữa quân đội chính phủ và RSF đã khiến hàng trăm người thiệt mạng và hàng nghìn người phải bỏ nhà đi tị nạn. Ảnh: AFP 
Xung đột ở Sudan giữa quân đội chính phủ và RSF đã khiến hàng trăm người thiệt mạng và hàng nghìn người phải bỏ nhà đi tị nạn. Ảnh: AFP 

* Quân đội Sudan và Lực lượng bán quân sự RSF đã ký thỏa thuận bảo vệ dân thường trong xung đột. Theo một số quan chức cấp cao quân sự và ngoại giao của Mỹ giấu tên, thỏa thuận được ký kết tại Jeddah, Saudi Arabia ngày 11-5 và “Đây không phải là một lệnh ngừng bắn mà là sự khẳng định nghĩa vụ của các bên theo luật nhân đạo quốc tế, đặc biệt là liên quan đến đối xử với dân thường và đòi hỏi phải tạo hành lang cho các hoạt động viện trợ nhân đạo”.

Theo một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ giấu tên, các bước tiếp theo sẽ là tiến hành các hoạt động hỗ trợ nhân đạo, khôi phục các dịch vụ thiết yếu, rút lực lượng quân sự khỏi các bệnh viện và phòng khám y tế, tổ chức chôn cất người chết theo đúng nghi lễ địa phương.

Việc 2 bên ký kết thỏa thuận mới nhất này mở ra hy vọng 2 bên sẽ thu hẹp bất đồng, trước hết và quan trọng nhất là vì dân thường và các đối tác trong khu vực và thế giới Arab. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cũng cho biết các bên tham gia xung đột ở Sudan hiện còn “quá khác biệt” để có thể tiến tới ký kết một lệnh ngừng bắn.

KTSSM do nhà thầu quốc phòng Hanwha của Hàn Quốc phát triển, có tầm bắn 180km. Ảnh: Cơ quan Phát triển quốc phòng Hàn Quốc 
KTSSM do nhà thầu quốc phòng Hanwha của Hàn Quốc phát triển, có tầm bắn 180km. Ảnh: Cơ quan Phát triển quốc phòng Hàn Quốc 

* Ngày 12-5, NKNews đưa tin quân đội Hàn Quốc đã bắn thử tên lửa dẫn đường chiến thuật nội địa với mục đích ngăn chặn các mối đe dọa bị tấn công bằng pháo binh, mở đường cho loại tên lửa này được đưa vào sản xuất hàng loạt vào cuối năm nay.

Theo Cơ quan Quản lý các chương trình mua sắm Hàn Quốc, Cơ quan Công nghệ và chất lượng quốc phòng Hàn Quốc đã bắn thử thành công tên lửa đất đối đất chiến thuật nội địa KTSSM vào sáng thứ Năm. Lần cuối cùng Hàn Quốc phóng thử tên lửa là vào cuối tháng 12, khi nước này phóng thử một phương tiện thám hiểm không gian sử dụng nhiên liệu rắn do ngành công nghiệp quốc phòng trong nước sản xuất nhằm tăng cường khả năng trinh sát và do thám không gian.

KTSSM do nhà thầu quốc phòng Hanwha của Hàn Quốc phát triển từ năm 2014 đến 2019, có tầm bắn lên tới 180km, có khả năng thực hiện các cuộc tấn công chính xác chống lại pháo binh tầm xa. Hiện KTSSM là vũ khí dẫn đường đất đối đất tấn công chính xác tốt nhất của Hàn Quốc và đang bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt.

Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.


QUÝ CHUNG

https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-12-5-chi-tieu-quan-su-my-van-lon-hon-144-nuoc-cong-lai-727859

  • Từ khóa