Hy vọng và âu lo trong thập niên mới

Thứ 6, 10.01.2020 | 12:00:18
401 lượt xem

Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động cấp bách để tìm ra giải pháp đối phó tình trạng toàn cầu ấm dần lên trong thập niên mới.

Nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã sử dụng thông điệp năm mới để nói về những vấn đề chính trị nóng bỏng trong nước, các chính sách đối ngoại và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường.
 

Trong thông điệp năm mới ngày 31-12-2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bày tỏ lo ngại về tình hình bất ổn ở Hồng Kông, nhấn mạnh ổn định là yếu tố quan trọng đối với sự thịnh vượng của đặc khu. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng tái khẳng định lập trường cứng rắn của Trung Quốc về việc phản đối mọi hành vi đòi độc lập cho Đài Loan. Cũng theo ông Tập, 2020 sẽ là năm quyết định đối với chiến dịch xóa đói giảm nghèo cho người dân nông thôn.
 

Trong khi đó, theo Tân Hoa Xã, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cam kết tiến hành những cải cách lớn phù hợp với tầm nhìn quốc gia trong triều đại Reiwa (Lệnh Hòa), trong đó có việc sửa đổi hiến pháp. Ông Abe cũng hy vọng Nhật Bản sẽ tổ chức thành công Thế vận hội mùa hè và Thế vận hội dành cho người khuyết tật 2020, dự kiến diễn ra tại Tokyo vào tháng 7.
 

Riêng Thủ tướng Úc Scott Morrison thừa nhận quốc gia này đã trải qua "12 tháng đầy khó khăn" với thảm họa cháy rừng vẫn còn đang hoành hành khi bước vào năm mới. Dù vậy, nhà lãnh đạo này khẳng định vẫn có lý do để lạc quan bởi "tinh thần Úc sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi thử thách".

 Hy vọng và âu lo trong thập niên mới - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đề cao tinh thần đoàn kết dân tộc trong thông điệp chào năm mới Ảnh: Reuters
 

Tinh thần đoàn kết dân tộc cũng là điều Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh trong thông điệp chào năm mới. "Chúng ta đang sống trong thời đại đầy biến động, năng động và tranh cãi. Tuy nhiên, chúng ta có thể và nên nỗ lực để Nga phát triển thành công, để mọi khía cạnh trong đời sống của chúng ta chỉ thay đổi theo hướng tích cực" - ông chủ Điện Kremlin khẳng định, đồng thời nhấn mạnh "tinh thần đoàn kết là nền tảng để chúng ta đạt được những mục tiêu cao nhất".
 

Tương tự, Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi người dân chung tay vì cơ hội cũng như sự thịnh vượng của đất nước trong thập kỷ mới. Thủ tướng Johnson tuyên bố công việc đầu tiên của ông trong năm 2020 là bảo đảm Anh rời Liên minh châu Âu (EU) rồi chữa lành vết thương do "cuộc ly hôn" này gây ra. Còn tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron sử dụng thông điệp năm mới để bày tỏ hy vọng nhanh chóng tìm ra tiếng nói chung với các nghiệp đoàn, qua đó tháo ngòi khủng hoảng liên quan đến kế hoạch cải cách lương hưu gây tranh cãi.
 

Biến đổi khí hậu cũng là nội dung được một số nhà lãnh đạo châu Âu nhắc tới. Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động cấp bách để tìm ra giải pháp đối phó tình trạng toàn cầu ấm dần lên trong thập kỷ mới. Nhà lãnh đạo 34 tuổi khẳng định mục tiêu của bà là biến Phần Lan thành một "quốc gia có trách nhiệm về mặt kinh tế, công bằng về xã hội và bền vững về môi trường". Còn Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh con người phải làm tất cả những gì có thể để vượt qua "thách thức nhân loại" mang tên biến đổi khí hậu.
 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng nhấn mạnh cam kết đối với chuyện bảo vệ môi trường khi khẳng định một trong những thành tựu đáng tự hào nhất của ông trong năm 2019 là công bố mẫu ôtô điện đầu tiên của đất nước. Phương tiện này dự kiến bắt đầu được sản xuất vào năm 2022.
 

Cảnh báo cứng rắn của Triều Tiên trong ngày đầu năm

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã không đọc thông điệp năm mới trong ngày đầu năm 2020, điều ông từng làm kể từ năm 2013. Đây thường là dịp để nhà lãnh đạo Triều Tiên đề cập những mục tiêu cho tương lai.

Thay vào đó, truyền thông nhà nước cùng ngày đã đưa tin về kết quả hội nghị toàn thể Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên vừa khép lại hôm 31-12-2019. Tại hội nghị kéo dài 4 ngày này, ông Kim cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ giới thiệu một loại "vũ khí chiến lược mới" trong tương lai gần và tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân. Ông Kim khẳng định không có lý do gì để Triều Tiên tiếp tục bị ràng buộc bởi quyết định ngưng thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) được nước này đưa ra hồi năm 2017.

Mặt khác, nhà lãnh đạo Triều Tiên cáo buộc Mỹ đưa ra những yêu cầu không thể chấp nhận được và duy trì "chính sách thù địch", như tiếp tục tập trận chung với Hàn Quốc và áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng. Dù vậy, ông Kim cũng để ngỏ khả năng đối thoại với Washington khi nhấn mạnh việc Bình Nhưỡng đẩy mạnh khả năng răn đe hạt nhân đến đâu sẽ phụ thuộc vào thái độ của Mỹ.

Những cảnh báo trên càng nêu bật tình trạng bế tắc của nỗ lực ngoại giao Mỹ - Triều trong thời gian qua nhằm tìm giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng. Trả lời phỏng vấn đài Fox News, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bày tỏ hy vọng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ lựa chọn hòa bình và thịnh vượng, thay vì chiến tranh và xung đột.

Trước đó, Washington đã bác bỏ hạn chót do Bình Nhưỡng đưa ra là ngày 31-12-2019 để đưa ra những nhượng bộ mới về nới lỏng trừng phạt. Giới chức quân sự Mỹ dự báo Triều Tiên có thể nối lại thử ICBM và hạt nhân sau khi yêu cầu này không được Washington đáp ứng.

Phương Võ



Theo Cao Lực/nld.com.vn

  • Từ khóa