Mỹ dự kiến ký các hiệp ước chiến lược với Papua New Guinea và Micronesia vào tuần tới, đúng dịp ông Joe Biden đến thăm Papua New Guinea vào ngày 22-5, trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm hòn đảo này.
Thông tin trên được Bộ trưởng Ngoại giao Papua New Guinea, ông James Marape, xác nhận ngày 16-5. Theo ông Marape, hai thỏa thuận an ninh nước này ký với Mỹ là về hợp tác quốc phòng và giám sát hàng hải.
Ngoài Papua New Guinea, Reuters dẫn lời ông Joseph Yun, phái viên của Tổng thống Mỹ, cho biết Mỹ và Micronesia cũng vừa đồng ý gia hạn hiệp ước an ninh giữa hai nước, gọi tắt là Cofa.
Trong tuần này, ông Yun dự kiến bay đến hai đảo quốc khác ở Thái Bình Dương là Palau và Quần đảo Marshall để bàn về Cofa.
Washington ký Cofa lần đầu với Micronesia, Quần đảo Marshall và Palau vào những năm 1980. Qua đó, Mỹ chịu trách nhiệm về quốc phòng, hỗ trợ kinh tế cho các đảo quốc này, đổi lại được độc quyền tiếp cận các khu vực chiến lược ở Thái Bình Dương. Các Cofa này hết hạn vào năm 2023 đối với Quần đảo Marshall và năm 2024 với Palau.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp đón các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington hồi tháng 9-2022 Ảnh: REUTERS
Việc gia hạn các Cofa là một trong những nỗ lực then chốt của Mỹ nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, sau khi Bắc Kinh ký hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon vào năm ngoái.
Đó cũng là lý do góp phần thúc đẩy Mỹ mở đại sứ quán tại Tonga hôm 9-5 và sắp tới là ở Vanuatu, sau động thái tương tự tại Quần đảo Solomon hồi tháng 2 năm nay.
Giới phân tích nhìn nhận các đảo quốc Thái Bình Dương nằm giữa đảo Guam thuộc Mỹ và Úc, do đó có giá trị quân sự chiến lược đối với Mỹ và các đồng minh.
"Nếu Trung Quốc thiết lập được nền tảng pháp lý về quân sự ở đây, họ có thể điều tàu chiến và máy bay chiến đấu đến trong thời gian ngắn, đe dọa tàu và máy bay của Mỹ - Úc đi ngang hoặc ít ra là thu thập thông tin tình báo nhạy cảm về quân sự của hai nước này" - ông Timothy Heath, nhà nghiên cứu cấp cao của tổ chức RAND Corporation, phân tích với CNN.
Theo đài CNN, mùa thu năm ngoái, Nhà Trắng công bố chiến lược quốc gia về các quần đảo ở Thái Bình Dương lần đầu tiên. Trong đó, Mỹ nêu rõ các biện pháp tăng cường hiện diện ngoại giao, điều thêm tàu tuần duyên và lực lượng quân sự đến khu vực, hỗ trợ chống biến đổi khí hậu, tăng cường đầu tư vào hạ tầng và giáo dục.
Hải Ngọc/nld.com.vn
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/my-cung-co-anh-huong-o-thai-binh-duong-20230516210848687.htm