Quân sự thế giới hôm nay (18-5) có những thông tin đáng chú ý sau: Romania loại biên toàn bộ máy bay MiG-21, thay bằng F-16; Mỹ đề xuất hình thành "kế hoạch quân sự chung" với Israel; Nhật Bản sẽ tiếp nhận và điều trị thương binh Ukraine.
* Romania loại biên máy bay chiến đấu MiG-21
Vào những năm của thập niên 1960, Không quân Romania bắt đầu đưa chiến đấu cơ MiG-21 vào biên chế; tuy nhiên, không ai biết chính xác đã có bao nhiêu chiếc MiG đã được đưa vào sử dụng ở quốc gia Đông Âu này. Từ năm 1997 đến 2002, đã có tổng cộng 111 máy bay MiG-21 được trang bị các hệ thống tương thích với hệ thống của NATO và được đặt tên là MiG-21 LanceR, gồm phiên bản không đối đất LanceR A, phiên bản máy bay huấn luyện 2 chỗ ngồi LanceR B và là phiên bản chiến đấu không đối không LanceR C.
Romania sẽ loại biên toàn bộ số máy bay MiG-21 hiện tại. Ảnh: Dutch Aviation Society |
Vài năm trước, Romania đã cho ngừng sử dụng máy bay MiG-21 phiên bản LanceR A và hiện còn lại trong lực lượng không quân nước này khoảng 14 chiếc LanceR B và 26 chiếc LanceR C, gặp nhiều khó khăn trong việc bảo dưỡng và sử dụng. Ngày 15-4-2022, Romania đã cho dừng tất cả các chuyến bay sử dụng máy bay MiG-21 LanceR và đẩy nhanh việc mua 32 chiếc F-16 cũ của Không quân Hoàng gia Na Uy. Ngày 23-5-2022, MiG-21 LanceR tiếp tục được đưa vào sử dụng trở lại.
Để chuẩn bị cho việc loại biên máy bay MiG-21, Romania đã tổ chức các buổi bay trình diễn cuối cùng với mẫu MiG-21 LanceR C tại Bacau vào ngày 15-5, đánh dấu hơn 60 năm MiG-21 vận hành trong lực lượng Không quân Romania.
Trước đó, đầu năm 2022, Tham mưu trưởng Không quân Romania Thiếu tướng Viorel Pana cho biết Không quân Romania sẽ đưa phi đội F-16 thứ hai vào hoạt động vào cuối năm 2023; phi đội thứ ba sẽ bắt đầu vận hành vào cuối năm 2024. Hiện tại, Romania đang có một phi đội gồm 17 chiếc F-16 trong biên chế.
* Mỹ đề xuất hình thành “kế hoạch quân sự chung” với Israel
Shafaq News ngày 18-5 đưa tin chính quyền Mỹ đã tiếp cận các quan chức Israel trong những tuần gần đây để đưa ra đề xuất “chưa từng có” về việc sẽ “nâng cấp mạnh mẽ hợp tác quân sự giữa Mỹ và Israel”.
Mỹ đề xuất hình thành kế hoạch quân sự chung với Israel. Ảnh: Social Media |
Theo một quan chức Mỹ giấu tên, đề nghị nâng cấp hợp tác quân sự không nhằm lên kế hoạch cho bất kỳ hoạt động chung nào giữa Mỹ và Israel đối phó với chương trình hạt nhân của Iran mà kế hoạch chủ yếu xoay quanh việc chia sẻ “các tình huống” và thảo luận các phương án đối phó với các hoạt động của Iran trong khu vực. Theo Shafaq News, đề xuất này được đưa ra trong các chuyến công du gần đây tới Israel của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, Tướng Mark Milley, và Tư lệnh Bộ Chỉ huy trung tâm CENTCOM, Tướng Erik Kurilla.
Tuy nhiên, phía Israel đã trả lời đề nghị này của Mỹ một cách thận trọng và yêu cầu bổ sung thêm chi tiết về kế hoạch. Các quan chức Israel lo ngại đề nghị của Mỹ là một nỗ lực nhằm “trói tay Israel” và có thể phức tạp hóa bất kỳ kế hoạch nào của Jerusalem trong đối phó với các hành động của Iran. Cụ thể, Israel đã yêu cầu Mỹ làm rõ liệu đề xuất trên sẽ chỉ dừng lại ở việc hình thành kế hoạch quân sự chung “trong lĩnh vực tình báo và đưa ra các kịch bản tác chiến” hay sẽ mở rộng sang cả “các lĩnh vực hoạt động chung”.
Trước đó, Tướng Mark Milley đã nhanh chóng tới thăm Israel sau khi nước này được cho là đã thực hiện một số cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của Iran ở Syria và có những tiết lộ cho thấy có khả năng Iran đã làm giàu uranium đạt đến gần cấp độ vũ khí.
* Nhật Bản sẽ điều trị cho thương binh Ukraine
Tờ Japan Today (Nhật Bản ngày nay) ngày 18-5 đưa tin Nhật Bản sẽ tiếp nhận và điều trị cho các thương binh Ukraine tại Bệnh viện trung tâm của Lực lượng phòng vệ ở Tokyo vào đầu tháng tới. Theo các nguồn tin, hoạt động chăm sóc y tế cho thương binh Ukraine sẽ bao gồm vật lý trị liệu và kế hoạch tiếp nhận thương binh là theo yêu cầu từ phía Ukraine, có thể sẽ được tiếp tục thảo luận khi Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada và Đại sứ Ukraine tại Nhật Bản Sergiy Korsunsky gặp mặt vào hôm nay.
Nhật Bản sẽ tiếp nhận và điều trị thương binh Ukraine. Ảnh: Kyodo News |
Các quy định nghiêm ngặt của Nhật Bản về xuất khẩu vũ khí không cho phép cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine và nước này đã cung cấp các trang bị phi sát thương cho Kiev như áo chống đạn, mũ và máy bay không người lái. Với việc tiếp nhận thương binh Ukraine, chính phủ Nhật Bản đang hướng tới thể hiện cam kết mạnh mẽ hơn với Ukraine trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7. Hiện Ba Lan và một số quốc gia khác cũng đã đưa ra các chương trình hỗ trợ tương tự.
Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.
QUÝ CHUNG