Mỹ bước vào giai đoạn nhạy cảm nâng trần nợ

Thứ 6, 26.05.2023 | 14:34:31
645 lượt xem

Các cuộc đàm phán khẩn cấp về nâng trần nợ của Mỹ đang tiến gần hơn đến thỏa thuận hôm 25-5 khi chỉ còn 7 ngày Mỹ đối mặt nguy cơ vỡ nợ.

Các nhà đàm phán cảnh báo rằng giai đoạn đàm phán cuối cùng có thể sẽ là giai đoạn nhạy cảm và khó khăn nhất đối với cả hai bên.

Theo CNN, thỏa thuận vẫn chưa hoàn tất và còn hàng loạt vấn đề nổi cộm khác ngoài mức chi tiêu, trong đó hai bên bất đồng sâu sắc về yêu cầu công việc đối với các chương trình mạng lưới an sinh xã hội.

Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy rời Điện Capitol vào tối 25-5 (giờ địa phương) mà không đạt được thỏa thuận nào về trần nợ. Ông nói rằng đã có sự trao đổi qua lại với Nhà Trắng nhưng việc đạt được một thỏa thuận không hề dễ dàng.

Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Patrick McHenry cho biết: "Chúng ta đang ở giai đoạn nhạy cảm với những vấn đề nhạy cảm vẫn còn đó. Đây là những vấn đề gai góc nhất mà chúng tôi đang thảo luận". 

Ông McHenry nói rằng không có cuộc gặp trực tiếp nào với nhóm đàm phán của Nhà Trắng được lên kế hoạch hôm 25-5 nhưng ông không coi đây là dấu hiệu cho thấy các cuộc đàm phán bị đình trệ.

Mỹ bước vào giai đoạn nhạy cảm nâng trần nợ - Ảnh 1.

Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy. Ảnh: Reuters

Tại Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden tỏ ra lạc quan một cách thận trọng. Ông Biden nói: "Cách duy nhất để tiến lên phía trước là thông qua một thỏa thuận lưỡng đảng và tôi tin rằng chúng ta sẽ đi đến một thỏa thuận cho phép chúng ta tiến lên và bảo vệ những người Mỹ chăm chỉ của đất nước này".

Một thành viên Cộng hòa có sức ảnh hưởng cho biết ông rất lạc quan về việc đạt được thỏa thuận trước kỳ nghỉ cuối tuần. Nói với hãng tin Reuters, Nghị sĩ Kevin Hern cũng tin rằng "có khả năng" hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận vào chiều 26-5 (giờ địa phương).

Trong khi đó, Nhà Trắng cũng đã tìm cách xoa dịu những lời chỉ trích và nói rằng ông Biden đã đề cập đến việc nâng trần nợ trong 5 tháng qua.

Trung Quốc vượt Mỹ

Trung Quốc dự kiến sẽ vượt Mỹ vào năm 2035 để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, dựa trên quỹ đạo tăng trưởng hiện tại của cả hai nước, theo nhà kinh tế nổi tiếng người Trung Quốc Zhu Min, cựu phó giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Ông Zhu Min đã tính toán dựa trên giả định rằng nền kinh tế Mỹ tăng trưởng ở mức 2% đến 2,5% trong một năm trong khi tăng trưởng GDP Trung Quốc ở mức 4% đến 4,5% trong 1 năm, cột mốc quan trọng này có thể diễn ra sau 12 năm. 

Dự báo của ông chậm hơn so với các dự báo khác, trong khoảng từ năm 2030 đến năm 2033. Tuy nhiên, một số dự báo trong số này cũng đã bị lùi thời gian, phần lớn là do đại dịch COVID-19 và việc Trung Quốc bị phong tỏa sau đó.


Xuân Mai 

https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/my-buoc-vao-giai-doan-nhay-cam-nang-tran-no-20230526100313974.htm

  • Từ khóa