Nga sẽ tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu nếu phương Tây cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev (Ảnh: TASS).
Hãng tin RIA Novosti của Nga dẫn lời ông Medvedev ngày 26/5 cảnh báo: "Trong trường hợp phương Tây cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine, chúng tôi sẽ phải tấn công phủ đầu. Vũ khí cung cấp cho Kiev càng có sức tàn phá lớn thì khả năng xảy ra kịch bản ngày tận thế hạt nhân càng cao".
Ông Medvedev cho rằng, phương Tây không nhận thức đầy đủ về điều đó và họ nghĩ mọi chuyện sẽ không đến mức này, song nó hoàn toàn có thể xảy ra trong những điều kiện nhất định. Ông dường như đề cập đến việc NATO ngày càng mở rộng phạm vi vũ khí cam kết cho Ukraine.
Cựu Tổng thống Nga cảnh báo: "Điều đó có nghĩa là họ có thể phải hứng lấy một tên lửa mang đầu đạn hạt nhân".
Hồi tháng 3, ông cũng bình luận: "Mỗi ngày các lô vũ khí nước ngoài đến Ukraine cuối cùng sẽ mang ngày tận thế hạt nhân đến gần hơn".
Gần đây, Mỹ và các đồng minh NATO bắt đầu cung cấp vũ khí tầm xa cho Kiev, song chưa từng gợi ý họ sẽ cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine.
Chưa có triển vọng hòa đàm Nga - Ukraine
Trả lời phỏng vấn truyền thông, ông Medvedev cho rằng bất kỳ cuộc xung đột nào cũng sẽ kết thúc bằng đàm phán, nhưng chừng nào chính phủ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky còn nắm quyền thì triển vọng này khó xảy ra.
"Mọi thứ luôn kết thúc bằng đàm phán. Đây là điều không thể tránh khỏi, nhưng chừng nào họ còn nắm quyền, tình thế đối với Nga sẽ không thay đổi về mặt đàm phán", Reuters dẫn lời cựu Tổng thống Nga.
Moscow nhiều lần cáo buộc Ukraine gây trở ngại cho hòa đàm chấm dứt xung đột khi Tổng thống Zelensky cuối năm ngoái ký sắc lệnh cấm đàm phán với chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Liên quan đến sáng kiến hòa bình do các nước đưa ra, ông Medvedev nhấn mạnh cần cân nhắc tất cả những đề xuất.
Trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết thêm, còn quá sớm để nói kế hoạch hòa bình nào sẽ tốt hơn cho Nga hay liệu Moscow có phương án của riêng mình hay không. "Vẫn còn quá sớm để nói về điều đó. Hiện không có điều kiện tiên quyết nào cho một tiến trình hòa bình, rõ ràng là như vậy. Chiến dịch quân sự đặc biệt vẫn tiếp tục", ông nói.
Trung Quốc, Brazil đang nỗ lực thể hiện vai trò trung gian hòa giải xung đột Nga - Ukraine. Hồi tháng 2, Bắc Kinh đã đưa ra bản đề xuất gồm 12 điểm. Tuy nhiên, Ukraine và phương Tây không ủng hộ kế hoạch này vì cho rằng Bắc Kinh vẫn đứng trên lập trường của Nga.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết, mọi nỗ lực hòa giải nhằm chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine phải dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản gồm khôi phục toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Ukraine và không đóng băng xung đột.
Minh Phương/dantri.com.vn