NATO đã tăng gấp đôi số lượng binh sĩ đồn trú ở Đông Âu kể từ năm 2021 trong khi Nga nhiều lần chỉ trích sự hiện diện của liên minh này ở gần biên giới.
Binh sĩ Pháp tập trận quân sự ở Estonia hồi tháng 2/2023 (Ảnh: AP).
Bốn nhóm tác chiến mới của NATO đã được thành lập để đối phó với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Các nhóm này được triển khai ở Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia, bổ sung cho các nhóm chiến đấu hiện có ở Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan, tất cả đều có biên giới chung với Nga.
Theo người phát ngôn NATO Oana Lungescu, tại khu vực Đông Âu, hiện có 8 nhóm tác chiến của NATO với 10.000 quân, so với 4 nhóm tác chiến với 5.000 quân hồi năm 2021.
Một năm trước, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo liên minh quân sự này sẽ tăng số lượng binh sĩ sẵn sàng chiến đấu cao lên 300.000 quân. NATO tuyên bố 100.000 quân sẽ được triển khai trong vòng 10 ngày nếu nổ ra xung đột với Nga, số còn lại sẵn sàng ra chiến trường một tháng sau đó.
Tuy nhiên, theo các quan chức Đông Âu và khu vực Baltic, họ vẫn không biết quốc gia nào sẽ cung cấp binh sĩ cho kế hoạch của NATO, hoặc trả tiền cho việc triển khai quân. Họ cũng không chắc chắn về việc liệu các binh sĩ có được triển khai kịp thời để đẩy lùi cuộc tấn công của Nga hay không.
Trong khi đó, một số thành viên NATO nghi ngờ cam kết từ các đồng minh của họ về kế hoạch triển khai binh sĩ. Đức dẫn đầu nhóm tác chiến ở Lithuania, nhưng phản đối lời kêu gọi từ Vilnius về việc triển khai một lữ đoàn thường trực ở đó. Thay vào đó, Berlin muốn giữ lại 6.000 quân ở lại Đức, nơi họ có thể được triển khai "nếu cần".
NATO cáo buộc Nga là "mối đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng nhất đối với an ninh của các đồng minh cũng như hòa bình và ổn định ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương". Moscow lập luận rằng, việc NATO tiếp tục mở rộng sang phía đông sau Chiến tranh Lạnh và việc NATO quyết tâm đưa Ukraine trở thành thành viên của khối được xem là các mối đe dọa không thể chấp nhận được đối với an ninh quốc gia của Nga.
Nga cáo buộc việc Mỹ và đồng minh tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine chỉ khiến xung đột kéo dài và leo thang. Moscow cũng cảnh báo, tất cả khí tài của phương Tây đưa vào Ukraine đều trở thành mục tiêu tấn công và phá hủy hợp pháp của quân đội Nga.
Phần Lan hồi tháng 4 chính thức trở thành thành viên của NATO sau gần một năm kể từ khi nộp đơn xin gia nhập. Khi Phần Lan gia nhập NATO, biên giới chung giữa NATO với Nga sẽ tăng gấp đôi.
Hiện tại, các thành viên NATO có biên giới chung với Nga hoặc vùng đất Kaliningrad của Nga gồm Na Uy, Latvia, Estonia, Lithuania và Ba Lan. 5 quốc gia này có hơn 1.200km đường biên giới chung với Nga. Trong khi đó, Phần Lan có hơn 1.300km đường biên giới chung, dọc theo khu vực tây bắc Nga. Do đó, kể từ ngày 4/4, NATO sẽ có tổng cộng hơn 2.500 km đường biên giới chung với Nga.
Việc Phần Lan gia nhập liên minh quân sự gồm 30 thành viên do Mỹ dẫn dắt có thể coi là một đòn ngoại giao đối với Nga, bởi Moscow tuyên bố một trong những mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine là ngăn NATO mở rộng đến sát biên giới Nga.
Theo dantri.com.vn