UAV Lancet của quân đội Nga đã phá hủy một số tổ hợp phòng không hiện đại do phương Tây viện trợ cho Ukraine
Quân đội Nga hôm 8/6 đã đăng tải một đoạn video trong đó ghi lại cảnh máy bay không người lái (UAV) Lancet của lực lượng này tấn công và phá hủy đài radar chỉ huy của tổ hợp phòng không IRIS-T SLM do Đức viện trợ cho Ukraine.
Trong đoạn video trên, sau khi phát hiện mục tiêu, UAV của Nga đã lao vào tấn công đài radar TRML-4D của tổ hợp phòng không do Đức sản xuất. Một vụ nổ dữ dội đã xảy ra sau đó, khiến đài radar này bị phá hủy hoàn toàn.
Cũng trong ngày 8/6, trang Avia-pro đưa tin quân đội Nga đã phá hủy thêm một tổ hợp phòng không Patriot của Ukraine. Đây được xem là tổ hợp Patriot thứ 3 của Ukraine bị Nga phá hủy kể từ khi Mỹ viện trợ loại vũ khí này cho Kiev. Tuy nhiên, thời gian và địa điểm cụ thể của vụ việc này hiện chưa được công bố.
Tổ hợp tên lửa Patriot khai hỏa (Ảnh: Missile Threat).
Bộ Quốc phòng Ukraine hiện chưa lên tiếng bình luận về thông tin trên.
Tổ hợp IRIS-T SLM bao gồm hệ thống tên lửa lắp trên xe tải có radar đa năng có khả năng theo dõi nhiều mục tiêu đồng thời và được thiết kế để đánh chặn máy bay chiến đấu, trực thăng tấn công, tên lửa hành trình, pháo phản lực, máy bay không người lái, tên lửa chống radar và bom thông minh.
Nhà thầu Diehl Defence sản xuất IRIS-T SLM cho biết, tên lửa IRIS-T SLM chính là "trái tim" của hệ thống. Phần mũi của tên lửa được cải tiến giúp nâng cao tầm bắn và độ cao của tên lửa. Hệ thống vector lực đẩy cho phép nó "tăng tốc theo chiều tối đa ngay sau khi phóng nên giúp nó tấn công mục tiêu ở cự ly rất ngắn". Nhờ khả năng tấn công chính xác cao mà nó được gọi với biệt danh là "sát thủ hàng loạt".
Về Lancet, UAV này được thiết kế dưới dạng một máy bay không người lái cảm tử với khả năng treo mình trên không trong nhiều giờ liền và tấn công mục tiêu ngay sau khi nhận được chỉ thị. Có tốc độ ấn tượng vào khoảng 110km/h, khả năng mang theo đầu đạn nặng tới 3kg cùng việc được tích hợp hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh, Kể từ khi được triển khai đến Ukraine, Lancet đã tiêu diệt nhiều mục tiêu quân sự của đối phương, trong đó có các hệ thống vũ khí hiện đại do phương Tây viện trợ cho Kiev.
Ngoài ra, vật liệu và lớp sơn của UAV Lancet còn giúp loại vũ khí hiện đại này miễn nhiễm với các loại vũ khí đánh chặn bằng tia laser. Quân đội Nga cũng khẳng định UAV Lancet có thể được hoán cải để trở thành những hệ thống "mìn trên không" nhằm vào các máy bay không người lái của quân đội Ukraine.
Theo dantri.com.vn