Ngày 2-7, các cuộc biểu tình bạo lực liên quan tới vụ cảnh sát bắn chết một thiếu niên 17 tuổi vì không chấp hành luật giao thông vẫn diễn ra tại nhiều địa phương trên khắp nước Pháp.
Theo AFP, tính đến ngày 2-7, các cuộc biểu tình bạo lực ở Pháp đã bước sang ngày thứ 5 liên tiếp. Mặc dù mức độ bạo lực đã có dấu hiệu giảm, song lực lượng an ninh Pháp vẫn phải tiến hành hàng trăm vụ bắt giữ các đối tượng quá khích. Bộ Nội vụ Pháp xác nhận số người bị bắt giữ đã tăng lên 719 người. Trước đó, cũng có thông tin cho rằng tổng cộng hơn 1.300 người gây bạo loạn đã bị bắt giữ trong các vụ gây rối hàng loạt vào đêm 1-7.
Cảnh sát chống bạo động có mặt để ngăn chặn biểu tình bạo lực ở Caen (Pháp). Ảnh: NBC News |
Hãng tin AFP cũng dẫn lời ông Vincent Jeanbrun, lãnh đạo thị trấn L’Hay-les-Roses ở ngoại ô Paris mô tả rằng tình trạng bạo lực vào đêm 1-7 đã leo thang tới mức kinh hoàng. Chia sẻ trên mạng xã hội Twitter, ông Jeanbrun cho biết các đối tượng gây bạo loạn thậm chí đã đâm ô tô vào nhà ông trước khi phóng hỏa trong lúc gia đình đang ngủ, khiến vợ con ông bị thương.
Các cuộc biểu tình bạo lực bắt đầu bùng phát tại nhiều địa phương của Pháp từ ngày 27-6 sau vụ cảnh sát bắn chết một thiếu niên 17 tuổi không tuân thủ hiệu lệnh và cố chạy trốn khỏi một điểm dừng giao thông ở ngoại ô Paris. Tại nhiều nơi, các đối tượng gây bạo loạn đã tấn công hạ tầng, cướp phá các cửa hàng, đốt xe ô tô và dẫn tới đụng độ với lực lượng an ninh. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cho biết từ đêm 1-7 đến sáng 2-7, khoảng 45.000 nhân viên an ninh đã được triển khai tới nhiều địa điểm để ngăn chặn bạo lực. Riêng những nơi chứng kiến tình trạng bạo lực dữ dội như Lyon, Grenoble và Marseille đã được tăng cường lực lượng và thiết bị bảo đảm an ninh. Mặc dù vậy, các hành động cướp phá vẫn tiếp tục diễn ra ở các thành phố này.
Tình hình biểu tình bạo lực diễn biến phức tạp khiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phải hoãn chuyến thăm cấp nhà nước tới Đức, vốn đã được lên kế hoạch kéo dài từ ngày 2 đến 4-7. Theo thông báo của Văn phòng Tổng thống Đức, ông Macron đã trao đổi qua điện thoại với Tổng thống Frank-Walter Steinmeier về các cuộc biểu tình tại Pháp và đề nghị hoãn chuyến thăm. Trước đó, ông Macron cũng phải kết thúc sớm việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ) để về nước chủ trì một cuộc họp liên quan tới tình hình an ninh. Theo tuyên bố của Tổng thống Macron, việc lợi dụng cái chết của một thiếu niên để gây bạo loạn là hành động không thể chấp nhận được.
Trong khi đó, không lâu sau khi các cuộc biểu tình bạo lực nổ ra, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne tuyên bố hủy bỏ các sự kiện quy mô lớn trên toàn quốc. Mạng lưới xe điện và xe buýt cũng buộc phải ngừng hoạt động ngay từ đêm 30-6 do trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công bạo lực. Khi các cuộc biểu tình kéo dài sang đêm thứ ba liên tiếp, bà Borne tuyên bố Chính phủ Pháp đang cân nhắc mọi biện pháp để lập lại trật tự, bao gồm cả việc ban bố tình trạng khẩn cấp. Một trợ lý của bà Borne thì tiết lộ rằng, Chính phủ Pháp sẵn sàng áp dụng các biện pháp an ninh "không có vùng cấm".
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ giới chức Pháp có xem xét và áp đặt các biện pháp cứng rắn hơn để giải quyết tình hình bất ổn đang diễn ra ở nước này hay không.
ANH VŨ
https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/bieu-tinh-bao-luc-tiep-dien-tai-phap-733138