Nếu kịch bản nguồn cung cấp khí đốt từ Nga sang châu Âu bị ngừng xảy ra, các nước Trung Âu có thể phải chật vật nguồn cung mới để thay thế khí đốt của Nga.
Đường ống dẫn khí đốt của Nga (Ảnh minh họa: Gazprom).
Bộ trưởng Năng lượng Đức Herman Galushchenko nói với Politico rằng, Kiev khó có thể gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt, cho phép Gazprom của Nga xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang EU bằng các đường ống chạy qua Ukraine.
Các thỏa thuận quá cảnh năm 2019 kéo dài đến cuối năm 2024 và cho phép Gazprom xuất khẩu hơn 40 tỷ m3 khí đốt mỗi năm qua Ukraine, mang về cho Kiev khoảng 7 tỷ USD.
"Tôi tin rằng vào mùa đông năm 2024, châu Âu sẽ không cần khí đốt của Nga nữa", ông Galushchenko cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. "Nếu bây giờ lợi nhuận từ khí đốt của Moscow được dùng để chi trả cho cuộc xung đột ở Ukraine và quân đội tư nhân của Gazprom thì điều duy nhất họ phải trả trong tương lai sẽ là bồi thường thiệt hại".
Ông nói thêm rằng xung đột có nghĩa là "các cuộc đàm phán song phương là không thể".
Tuyến trên bộ xuyên Ukraine là một trong hai tuyến đường ống nối giữa Nga và phương Tây, vẫn chiếm khoảng 5% lượng nhập khẩu khí đốt của khối, nhưng con số này chỉ bằng 1/3 so với mức trước khi nổ ra xung đột.
Không chỉ Ukraine đang nghi ngờ về tương lai của quá trình vận chuyển khí đốt, ông Alexei Miller, Giám đốc Gazprom, tuần trước cũng cảnh báo tập đoàn của ông sẽ ngừng xuất khẩu nếu Ukraine không từ bỏ nỗ lực tịch thu tài sản nhà nước của Nga.
Việc ông Miller cảnh báo có thể báo hiệu một quyết định chính trị nhằm chuẩn bị cho việc cắt đứt hay nỗ lực gây áp lực lên châu Âu, và khiến khối này phải ra mặt buộc Kiev phải từ bỏ yêu sách.
Gazprom và tập đoàn Naftogaz của Ukraine cũng bất đồng về tranh chấp về phí quá cảnh. "Nếu Naftogaz tiếp tục những hành động bất công như vậy, không thể loại trừ khả năng Liên bang Nga sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt. Khi đó, bất kỳ mối quan hệ nào giữa các công ty Nga và Naftogaz sẽ đơn giản là không thể", ông Miller nói.
Bất chấp bom, tên lửa và máy bay không người lái tàn phá cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, mạng lưới đường ống vẫn tiếp tục bơm tới EU - nơi khí đốt chủ yếu đến điểm cuối ở Áo, Slovakia, Ý và Hungary.
Đường ống dẫn khí đốt của Nga không bị trừng phạt, nhưng Ủy ban châu Âu có kế hoạch chấm dứt sự phụ thuộc của khối vào nhiên liệu hóa thạch của Moscow vào năm 2027.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều chỉ trích về việc các nước EU không đủ nhanh để đa dạng hóa nguồn cung mà vẫn sử dụng khí đốt của Nga. Nhập khẩu khí đốt Nga của Áo đã trở lại mức trước xung đột. Hungary nhận được khoảng 4,5 tỷ m3 mỗi năm. Vào tháng 4, chính phủ của họ đã ký một thỏa thuận với Gazprom để đảm bảo khối lượng bổ sung.
Kiev kết thúc thỏa thuận khí đốt có thể gây ra vấn đề cho các quốc gia đó.
"Nếu quá cảnh Ukraine dừng lại, việc cung cấp khí đốt qua đường ống Gazprom tới các nước EU có thể giảm xuống còn từ 10 đến 16 tỷ m3 (tương ứng khoảng từ 45 đến 73% mức hiện tại)", một phân tích hồi tháng 6 của Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia cho biết. Châu Âu có thể phải đối mặt với sự thiếu hụt vào năm 2025, trước khi nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng bổ sung từ Mỹ và Qatar đi vào hoạt động.
"Đối với châu Âu nói chung, nó khá dễ quản lý. Nhưng đối với một số quốc gia ở cuối đường ống như Áo, Hungary..., bức tranh có một chút khác biệt", Georg Zachmann, thành viên cấp cao tại tổ chức tư vấn kinh tế Bruegel, cho biết.
"Giữ cho thứ gì đó tồn tại nghĩa là có thể còn cơ hội quay trở lại trong tương lai. Nhưng nếu các dòng chảy bị dừng lại thì nguy cơ nó sẽ bị phá bỏ hoàn toàn và đặc quyền mà các quốc gia này trước đây hưởng lợi là được tiếp cận với khí đốt Siberia giá rẻ, sẽ biến mất vĩnh viễn", ông Zachmann nói.
Oleksiy Chernyshov, Giám đốc điều hành của Naftogaz, nói với Politico hồi tháng 5 rằng mục tiêu dài hạn của Ukraine là tăng cường sản xuất khí đốt của riêng mình để đáp ứng nhu cầu của EU.
Nguyễn Bình/dantri.com.vn