Theo kênh CNBC, lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati, có hiệu lực ngay lập tức ngày 20-7, của Ấn Độ có thể đẩy giá gạo thế giới đang cao lên cao hơn nữa.
Nhà chức trách cho biết lệnh cấm nhằm bảo đảm thị trường trong nước cũng như kìm hãm giá lương thực. Vào tháng 9 năm ngoái, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo tấm.
Theo bà Eve Barre, chuyên gia kinh tế ASEAN tại Công ty Bảo hiểm tín dụng thương mại Coface (Pháp), Bangladesh và Nepal sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì đây là những nước nhập khẩu gạo Ấn Độ nhiều nhất, tiếp đến là Trung Quốc, Benin và các nước châu Phi. Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, chiếm hơn 40% hoạt động thương mại gạo toàn cầu, đồng thời là nhà sản xuất gạo lớn thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc.
Theo Bộ Các vấn đề tiêu dùng của Ấn Độ, gạo trắng non-basmati chiếm 25% lượng gạo xuất khẩu của nước này. Trong khi đó, nhà kinh tế Radhika Rao của Ngân hàng DBS (Singapore) cho rằng các nước bị ảnh hưởng có thể tìm đến các nhà xuất khẩu khác như Thái Lan hay Việt Nam.
Trao đổi với tờ The Bangkok Post, một thương nhân Singapore ước tính mức tăng tối thiểu của giá gạo thế giới sẽ là khoảng 50 USD/tấn, thậm chí lên tới 100 USD/tấn hoặc hơn. Quyết định của Ấn Độ lại trùng với thời điểm giá lúa mì toàn cầu tăng mạnh, chỉ trong tuần này đã tăng hơn 10%.
Gạo là lương thực chính của 3 tỉ người trên thế giới và gần 90% được sản xuất ở châu Á, nơi mà El Nino khô hạn có thể thắt chặt nguồn cung hơn nữa.
Nông dân làm việc trên cánh đồng ở ngoại ô TP Ahmedabad - Ấn Độ hôm 21-7. Ảnh: REUTERS
Trước đó, một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Nature vào tháng 5 tính toán rằng lượng mưa cực đoan cũng làm giảm tới 8% năng suất lúa của Trung Quốc trong 2 thập kỷ qua và sẽ còn giảm thêm 7,6% vào cuối thế kỷ, chưa kể các tác động khác do biến đổi khí hậu như nắng nóng và hạn hán.
Theo Reuters, nhiều thành phố của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thiên Tân… đang gồng mình ứng phó với lũ lụt nghiêm trọng do các cơn bão mùa hè kể từ ngày 21-7.
Ngược lại, nhiều vùng nội địa vẫn bị thiêu đốt do nắng nóng gay gắt. Lượng mưa ít ỏi ở tỉnh Giang Tây làm hồ chứa nước ngọt Bà Dương lớn nhất Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1951.
Những đợt thay đổi thời tiết dữ dội đã bủa vây Trung Quốc từ tháng 4, làm hư hại cơ sở hạ tầng và phá hoại mùa màng.
Giá lương thực ở châu Á có thể tăng cao hơn nữa do hệ quả từ việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc trên biển Đen - theo giới phân tích.
Trong thỏa thuận trên, châu Á nhập khẩu 46% lô hàng ngũ cốc và thực phẩm khác trong khi Tây Âu và châu Phi lần lượt chiếm 40% và 12%. Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc là nước nhập khẩu lớn nhất, chiếm 7,7 triệu tấn (tương đương gần 1/4 tổng số).
Ông Pavlo Martyshev, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu thực phẩm và sử dụng đất tại Trường Kinh tế Kiev (Ukraine), nói với kênh Al Jazeera: "Việc chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc sẽ tác động đến an ninh lương thực ở châu Á do giá ngũ cốc và hạt có dầu cũng như dầu thực vật tăng cao".
Cả Ukraine và Nga đều là những nhà xuất khẩu ngũ cốc và các loại thực phẩm khác lớn nhất thế giới. Liên Hiệp Quốc cảnh báo việc hàng chục triệu tấn ngũ cốc của Ukraine rút khỏi thị trường sẽ gây thiếu hụt trên toàn thế giới.
Dù vậy, các nhà phân tích khác cho rằng tác động này sẽ được giảm bớt do lượng nhập khẩu từ Ukraine giảm và nguồn cung từ các quốc gia khác đang tăng lên.
Bên cạnh đó, giới nghiên cứu cũng lo ngại những đợt nắng nóng liên tiếp ở nhiều nơi đang đe dọa khả năng cung cấp thực phẩm từ môi trường tự nhiên cho con người.
Đơn cử, miền Nam châu Âu chuẩn bị đón đợt nắng nóng tiếp theo vào tuần sau, với nhiệt độ lên tới 48 độ C. Trong khi đó, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) nhận định tháng 7 này có thể sẽ là tháng nóng nhất của thế giới trong hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm qua.
Ông John Marsham, giáo sư khoa học khí quyển tại Trường ĐH Leeds (Anh), cảnh báo: "Ngày càng có nhiều nguy cơ mất mùa quy mô lớn đồng loạt ở nhiều nơi trên thế giới, khiến nguồn cung và giá cả lương thực bị ảnh hưởng mạnh".
Anh Thư - Xuân Mai/nld.com.vn
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/gia-gao-the-gioi-co-the-tang-cao-20230721221719291.htm