Quan chức Nga tuyên bố Moscow sẵn sàng đàm phán để giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine, nhưng quá trình này cần có sự tham gia của phương Tây.
Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev (Ảnh: TASS).
"Tôi muốn nhấn mạnh rằng Nga sẵn sàng đối thoại như chúng tôi từng tuyên bố nhiều lần. Nhưng những nhà bảo trợ phương Tây của chính quyền Kiev cũng phải được khuyến khích đàm phán", Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolay Patrushev phát biểu tại một cuộc họp của các Đại diện cấp cao về An ninh Quốc gia của nhóm BRICS hôm 25/7.
Ông Patrushev hoan nghênh những nỗ lực của các thành viên BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) trong việc góp phần giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng Ukraine thông qua đàm phán và hòa giải. Ông cũng mô tả tình hình chiến sự ở Ukraine như một bằng chứng cho thấy các hành động can thiệp của phương Tây.
"Mỹ và các đồng minh đang làm tất cả những gì có thể để leo thang xung đột, bằng cách tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine", quan chức Nga nói, đề cập đến vũ khí uranium nghèo, tên lửa hành trình tầm xa và bom chùm.
Moscow nhiều lần cáo buộc phương Tây đang trở thành một bên tham gia trực tiếp vào xung đột Ukraine với việc tiếp tục viện trợ vũ khí cho Kiev. Nga cảnh báo, việc phương Tây tiếp tục cấp vũ khí cho Ukraine không thể thay đổi cục diện chiến sự mà chỉ khiến xung đột kéo dài.
Mỹ ngày 7/7 tuyên bố cung cấp đạn chùm cho Ukraine trong gói viện trợ quân sự mới nhất. Động thái này của Mỹ vấp phải sự phản đối từ Nga và nhiều bên.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói rằng Moscow sẽ buộc phải sử dụng vũ khí "tương tự" nếu Mỹ cung cấp đạn chùm cho Ukraine. Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cảnh báo mức độ khiêu khích hiện tại của Mỹ "thực sự vượt quá quy mô, đưa nhân loại đến gần hơn với một cuộc chiến tranh thế giới mới".
Ngoài ra, Mỹ được cho có kế hoạch gửi đạn uranium nghèo tới Ukraine và các quả đạn này sẽ được bắn ra từ xe tăng Abrams cho Washington viện trợ. Trước đó, hồi tháng 4, Anh xác nhận chuyển đạn uranium nghèo cho Ukraine. Quân đội Nga cảnh báo, việc sử dụng đạn uranium nghèo có khả năng gây ra tác hại đối với sức khỏe của người Ukraine và gây ra thiệt hại kinh tế cho hoạt động nông-công nghiệp trong khu vực.
Điện Kremlin từng tuyên bố, Nga không nhận thấy triển vọng đàm phán với Ukraine ở thời điểm này mặc dù Moscow luôn để ngỏ cơ hội hòa đàm nhằm chấm dứt xung đột.
Nga tuyên bố chiến dịch quân sự chỉ chấm dứt khi Ukraine chấp nhận "thực tế lãnh thổ mới", nghĩa là công nhận các vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga gồm Crimea, Kherson, Zaporizhia, Lugansk và Donetsk. Trong khi đó, Kiev tuyên bố hòa đàm chỉ diễn ra khi Moscow rút hết quân, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine theo đường biên giới được công nhận năm 1991.
Ukraine và các nước đồng minh, đối tác NATO phản đối một cuộc xung đột đóng băng do lo ngại Nga có thể tận dụng điều này để khôi phục lực lượng trước khi mở một cuộc tấn công quy mô lớn hơn vào Ukraine.
Ukraine đang đẩy mạnh chiến dịch phản công với hy vọng đạt được kết quả bước ngoặt trong năm nay. Tuy vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cũng cho rằng, kỳ vọng của bên ngoài vào cuộc phản công của Ukraine đang quá cao.
Theo dantri.com.vn