Giới lãnh đạo Nhật Bản gây bất ngờ khi kêu gọi liên minh chính phủ nỗ lực thay đổi các quy định kiểm soát xuất khẩu quốc phòng để có thể chuyển vũ khí sang các quốc gia đang trong xung đột.
Xe tăng Nhật Bản bắn đạn thật trong một cuộc tập trận (Ảnh: Getty).
Phát biểu trước một hội đồng của đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đối tác liên minh là đảng Komeito hôm 25/7, Thủ tướng Fumio Kishida cho rằng, cần xem xét việc cung cấp thiết bị và công nghệ quốc phòng cho các quốc gia khác bất chấp những dấu hiệu cho thấy nhiều người dân nước này phản đối việc bán vũ khí ra nước ngoài.
Trước đó Đảng Dân chủ Tự do và Komeito đã "đạt đồng thuận" về việc Nhật Bản có thể xuất khẩu thiết bị quốc phòng được trang bị vũ khí sát thương sang những nước mà Tokyo có quan hệ hợp tác về an ninh, miễn là thiết bị đó không được sử dụng trong chiến đấu.
Quyết định này đánh dấu một bước tiến so với 3 nguyên tắc về xuất khẩu vũ khí được thông qua vào năm 1967, vốn cấm bán vũ khí cho các quốc gia chịu lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc và các quốc gia tham gia hoặc có khả năng tham gia vào một xung đột vũ trang.
Nhật Bản hiện đang bị đồng minh G7 chỉ trích vì cho rằng không hỗ trợ đủ mạnh cho Ukraine.
Vì vậy, các nhà phân tích cho rằng Thủ tướng Kishida muốn đạt được thỏa thuận càng sớm càng tốt, đặc biệt là khi nhiều quốc gia phương Tây đang cung cấp cho Ukraine số lượng lớn vũ khí trong cuộc xung đột với Nga trong khi Nhật Bản chỉ cung cấp mũ bảo hiểm, thiết bị y tế và áo giáp cho Kiev.
Thủ tướng Kishida lưu ý, vấn đề các công ty Nhật Bản đã rời bỏ lĩnh vực quốc phòng vì lệnh cấm xuất khẩu khiến hoạt động nghiên cứu và phát triển không mang lại lợi nhuận.
Việc dỡ bỏ lệnh cấm có thể khiến công nghệ quốc phòng của Nhật Bản trở nên hấp dẫn hơn, mang lại khoản thuế lớn đồng thời tạo việc làm và giảm sự phụ thuộc của quốc gia vào hàng nhập khẩu quốc phòng đắt đỏ.
"Là ngoại trưởng phục vụ lâu nhất của Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe, giờ đây với tư cách Thủ tướng ông Kishida sẽ có sự tôn trọng sâu sắc đối với trật tự quốc tế tự do và ý thức rằng Nhật Bản cần phải chịu trách nhiệm về vị trí của mình trong trật tự quốc tế đó", giáo sư Michael Cucek tại Đại học Temple ở Tokyo nhận định.
Theo ông, việc thay đổi luật sẽ giúp Nhật Bản có thể cung cấp vũ khí cho Ukraine, từ đó nâng cao uy tín của Tokyo trong lĩnh vực an ninh toàn cầu.
Hiện tại, dù LDP có đủ số phiếu trong Quốc hội để tự đưa ra quyết định, Thủ tướng Kishida vẫn muốn giảm thiểu "mọi rủi ro" khi nỗ lực kêu gọi sự chung tay của đảng liên minh.
Theo dantri.com.vn