Trận chiến quyền lực bên trong Niger gắn liền và làm gia tăng mức độ gay cấn của cuộc chơi địa chính trị giữa các đối tác bên ngoài
Cuộc đảo chính quân sự vừa rồi ở Niger có nguyên nhân ở tình hình chính trị - xã hội nội bộ nhưng tác nhân bên ngoài cũng không kém phần quyết định.
Niger có thời gian khá dài khá yên bình với chính quyền dân chủ dân cử. Vậy mà giới quân sự lại có thể dễ dàng đảo chính một cách nhanh chóng và gần như không vấp phải sự phản đối của dân chúng; ngược lại người dân Niger lại phản đối sự hiện diện quân sự của Pháp.
Tình trạng kinh tế - xã hội không được tốt đẹp, an ninh không được bảo đảm trước nguy cơ khủng bố từ các lực lượng Hồi giáo cực đoan, khúc mắc giữa người dân với Pháp và các nước phương Tây khác liên quan đến thời thuộc địa trong quá khứ và việc các nước này lợi dụng Niger phục vụ cho những lợi ích an ninh và địa chính trị ở châu Phi đã tạo bối cảnh dẫn đến cuộc đảo chính này.
Niger là thành viên của tổ chức Cộng đồng Kinh tế của các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), có vị trí trung tâm về địa chính trị ở vùng Sahel của châu Phi. Niger từng là thuộc địa của Pháp.
Vì vị trí nói trên nên không chỉ Pháp mà cả Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và Nga đều muốn gây dựng và tăng cường ảnh hưởng ở Niger. Cuộc xung đột ở Ukraine đã giúp các nước châu Phi thêm sáng giá trong chính sách và chiến lược của các đối tác bên ngoài.
Hàng ngàn người Niger biểu tình chống áp đặt các biện pháp trừng phạt với nước mình tại thủ đô Niamey hôm 3-8 Ảnh: REUTERS
Sau những biến động chính trị, an ninh trong thời gian vừa qua ở Burkina Faso và Mali - 2 nước láng giềng của Niger, cuộc đảo chính ở Niger biến cả vùng Sahel thành khu vực khủng hoảng ở châu Phi, tạo cơ hội cho Nga và Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng và vai trò trong khi Mỹ, EU và Pháp gặp khó trong việc duy trì ảnh hưởng đã có được ở nơi đây.
Trận chiến quyền lực ở bên trong Niger gắn liền và làm gia tăng mức độ gay cấn của cuộc chơi địa chính trị giữa các đối tác bên ngoài ở Niger nói riêng và ở vùng Sahel nói chung. Những diễn biến này không chỉ tác động tới châu Phi, tới uy danh và ảnh hưởng của Liên minh châu Phi và ECOWAS mà còn tới cả cuộc xung đột ở Ukraine.
Phe này chủ trương dùng các nước châu Phi để chống khủng bố, để ngăn chặn người châu Phi di cư và tị nạn sang các nước phương Tây và để đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga ở châu Phi.
Họ đã sao nhãng hoặc chủ ý không xử lý thỏa đáng và dứt điểm những vấn đề của thời quá khứ thuộc địa để lại, đồng thời không thật sự coi trọng đến phát triển kinh tế - xã hội, đến ổn định chính trị ở các quốc gia châu Phi. Trung Quốc hay Nga, nhờ đó có lợi thế rất quan trọng trong việc gây dựng ảnh hưởng ở đây.
Không có gì khó hiểu khi Mỹ, EU và Pháp tìm mọi cách để buộc giới quân sự ở Niger khôi phục chính quyền dân sự dân cử. Phe này không thể can thiệp quân sự vào Niger nhưng có thể hỗ trợ ECOWAS làm việc ấy.
Kịch bản can thiệp quân sự vào Niger không thể bị loại trừ mặc dù hệ lụy của nó là chiến tranh và hỗn loạn, bạo lực và tàn phá, khủng bố và thù hằn. Châu Phi vốn đã phân rẽ sẽ càng phân rẽ trầm trọng và khủng hoảng chính trị, an ninh như hiện tại ở vùng Sahel sẽ còn xảy ra ở nơi khác trên châu lục.
Ngải Sa/nld.com.vn
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/tran-chien-trong-va-cuoc-choi-ngoai-20230805205358781.htm