Vào tháng rồi, một tuyên bố của G20 (Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới) về chuyển đổi năng lượng đã nêu bật vai trò khả dĩ của năng lượng hạt nhân trong việc cắt giảm khí thải, bảo đảm an ninh năng lượng.
Các chuyên gia khí hậu nhận định động thái này cho thấy khả năng điện hạt nhân trỗi dậy trên thế giới. Riêng tại châu Á, theo tờ South China Morning Post ngày 6-8, nguồn năng lượng carbon thấp này đang trở lại với sự đi đầu của Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản.
Theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), tính đến năm 2020, Trung Quốc chiếm hơn 50% sản lượng điện hạt nhân của châu Á - Thái Bình Dương, theo sau là Hàn Quốc (25%), Ấn Độ và Nhật Bản (mỗi nước 6%).
Các nhà máy mới cũng xuất hiện ngày càng nhiều ở khu vực này. Trung Quốc hiện dẫn đầu với 23 lò phản ứng dự kiến sẽ hoàn thành trong 7 năm tới, trong khi Ấn Độ đang xây 8 lò.
Một số công nghệ mới, như lò phản ứng mô-đun có kích thước nhỏ và dễ thích nghi hơn lò phản ứng truyền thống, đã khôi phục niềm tin vào sự an toàn và khả năng đáp ứng nhu cầu của năng lượng hạt nhân.
Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản cũng đang thăm dò việc sử dụng thorium thay uranium để vận hành lò phản ứng vì thorium có nhiều trong lớp vỏ Trái đất. Cục An toàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc hồi tháng 6 đã cấp giấy phép hoạt động cho lò phản ứng đầu tiên sử dụng thorium. Nước này cũng đặt mục tiêu xây dựng 150 lò phản ứng vào năm 2035.
Một nhà máy điện hạt nhân đã đi vào hoạt động từ năm 2020 tại tỉnh Phúc Kiến - Trung Quốc Ảnh: TÂN HOA XÃ
Ấn Độ cũng có kế hoạch tăng sản lượng điện hạt nhân, chủ yếu thông qua việc xây thêm các nhà máy lớn. Trong khi đó, Nhật Bản cho biết sẽ hướng tới tối đa hóa việc sử dụng các lò phản ứng hiện có và cam kết phát triển lò phản ứng thế hệ tiếp theo.
"Để Nhật Bản đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, năng lượng hạt nhân sẽ phải đóng góp 20%-22% trong cơ cấu năng lượng mục tiêu vào năm 2030" - bà Ada Li, Phó Chủ tịch Công ty Nghiên cứu tài chính Moody’s Investors Service (Mỹ), cho biết. Nước này hiện gặp khó khi phát triển điện mặt trời và gió do diện tích đất đai hạn chế.
Năng lượng hạt nhân được dự báo cũng phát triển ở châu Á trong những thập kỷ tới, một phần do dân số gia tăng và các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng. Một số chuyên gia nhận định các nước ở khu vực này sẽ phải tìm kiếm nhiều hướng đi để đạt mục tiêu trung hòa carbon. Đáng chú ý, khí thải từ công nghệ điện hạt nhân chỉ tương đương với gió và bằng 1/3 so với năng lượng mặt trời.
Dù vậy, hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái ngược nhau về việc sử dụng năng lượng hạt nhân tại khu vực này, như chi phí đắt và thời gian xây dựng nhà máy lâu. Ngoài ra, chất thải phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân có thể gây hại cho con người nếu không được xử lý an toàn. Theo một số chuyên gia, phương án hàng đầu là xây dựng kho trữ chất thải phóng xạ dưới lòng đất trong hàng ngàn năm, như Phần Lan đã làm.
Anh Thư/nld.com.vn
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/dien-hat-nhan-tro-lai-chau-a-20230806212022314.htm