Những năm qua, Trung Quốc rất coi trọng việc kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, coi đó là một trong những "chìa khóa" để thực hiện phát triển chất lượng cao. Nhiều địa phương đã cụ thể hóa nhiệm vụ này thông qua việc nhấn mạnh yếu tố đổi mới sáng tạo trong phát triển văn hóa.
Công trình tôn vinh Khổng Tử và văn hóa truyền thống tại thành phố Tế Ninh, Trung Quốc. |
Nằm ở khu vực duyên hải miền đông, hạ lưu Hoàng Hà, với dân số hơn 100 triệu người và truyền thống lịch sử-văn hóa đậm nét, tỉnh Sơn Đông đã đề ra chiến lược "chuyển đổi sáng tạo và phát triển sáng tạo văn hóa truyền thống" (gọi tắt là "2 sáng tạo"), nhằm phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khai thác và phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Để thực hiện chiến lược này, địa phương đặt nhiệm vụ phát triển văn hóa lên vị trí quan trọng, tìm cách lồng ghép văn hóa truyền thống vào các mặt công tác như giáo dục-đào tạo, quản trị cơ sở, phát triển nông thôn, khiến văn hóa trở thành nền tảng và động lực cho sự phát triển; đồng thời, đẩy mạnh việc kết hợp, liên kết văn hóa truyền thống với khoa học-công nghệ trong bối cảnh thời đại số, nhằm tạo ra sức sống và nội hàm mới cho văn hóa truyền thống.
Được coi là một trong những nơi phát tích văn hóa truyền thống Trung Quốc, quê hương của Khổng Tử và Mạnh Tử, kinh đô của những con kênh đào, thành phố Tế Ninh đã tập trung xây dựng những thương hiệu văn hóa như "cái nôi văn minh Trung Hoa", "cội nguồn văn hóa Nho giáo", "vùng đất của những thánh nhân", "quê hương sông nước"... thông qua việc tuyển chọn, biên soạn, phát hành hệ thống sách về văn hóa, lễ nghi truyền thống, giúp người dân am hiểu về các nét đẹp, giá trị văn hóa truyền thống; tổ chức hàng loạt sự kiện văn hóa quan trọng như Lễ hội văn hóa quốc tế về Khổng Tử, Diễn đàn Ni Sơn về văn minh thế giới, Hội nghị Phát triển du lịch…, từ đó hình thành một điển hình về “2 sáng tạo” trong phát triển văn hóa, hướng tới trở thành thành phố văn hóa-du lịch mang tầm cỡ thế giới.
Một hoạt động hỗ trợ sáng tác với các đạo diễn trẻ tại thành phố Tế Ninh. |
Địa phương này còn đi đầu trong việc thực hiện các mô hình Giảng đường văn hóa truyền thống ở nông thôn, Trung tâm trải nghiệm văn hóa, Thư viện Ni Sơn, nhằm đưa các nét đẹp văn hóa truyền thống như phong tục tập quán, đạo đức, gia phong đến với người dân ở thành thị và nông thôn, nhân rộng các tấm gương điển hình “người tốt, việc tốt” trong xã hội.
Theo ông Zhang Dongxiang, Phó Thị trưởng Tế Ninh, địa phương vừa là một thành phố văn hóa với bề dày lịch sử truyền thống, lại là một thành phố đầy sức sống hướng tới đổi mới, khởi nghiệp, sáng tạo, nhằm khai thác tốt các sức mạnh mềm đến từ nguồn lực văn hóa đa dạng, phong phú.
Trung Quốc đề ra mục tiêu chiến lược là đến năm 2035 trở thành nước mạnh về văn hóa, nhằm thúc đẩy sự phát triển, phồn vinh của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa, một bộ phận của hiện đại hóa đất nước. Trong đó, việc chuyển đổi sáng tạo và phát triển sáng tạo văn hóa truyền thống đang được các địa phương tập trung nhiều nguồn lực thực hiện, nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng văn hóa xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc và nền văn minh hiện đại trong tương lai.
Hữu Hưng/nhandan.vn
https://nhandan.vn/2-sang-tao-trong-phat-trien-van-hoa-o-trung-quoc-post769039.html