Trung Quốc cho rằng việc Italy tham gia sáng kiến "Một vành đai, một con đường" (BRI) mang lại kết quả, trong bối cảnh Rome tỏ ra hoài nghi về dự án và phát tín hiệu muốn rút.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Ảnh: Reuters).
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 4/9 cho biết hoạt động hợp tác với Italy theo sáng kiến BRI do Bắc Kinh dẫn đầu đã mang lại kết quả. Theo ông Vương, các sản phẩm chất lượng cao của Italy đã đến tay "hàng nghìn hộ gia đình" ở Trung Quốc.
"Tình hữu nghị ngàn năm được kế thừa từ Con đường tơ lụa cổ xưa vẫn bền vững", ông Vương nói với Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani khi quan chức Rome đang thăm Trung Quốc.
"Trong 5 năm qua, thương mại giữa Trung Quốc và Italy đã tăng từ 50 tỷ USD lên gần 80 tỷ USD và xuất khẩu của Italy sang Trung Quốc đã tăng khoảng 30%", ông Vương cho biết.
Năm 2019, Italy trở thành quốc gia lớn đầu tiên ở phương Tây tham gia BRI, một sáng kiến cơ sở hạ tầng và thương mại toàn cầu được mô phỏng theo "Con đường tơ lụa" đã liên kết Trung Quốc và phương Tây hàng thiên niên kỷ trước.
Tuy nhiên, Italy, quốc gia G7 duy nhất tham gia BRI, đã bày tỏ hoài nghi về tính hiệu quả của sáng kiến.
Hồi cuối tuần, trước khi tới Trung Quốc, ông Tajani cho rằng thương mại song phương giữa 2 nước đã không cải thiện dù Italy tham gia BRI.
"Con đường tơ lụa không mang lại kết quả như chúng tôi mong đợi. Chúng tôi sẽ phải đánh giá, quốc hội sẽ phải quyết định xem có tiếp tục tham gia sáng kiến hay không", ông cho hay.
Italy có thời hạn đến tháng 12 để cân nhắc có rút khỏi hiệp định sẽ hết hạn vào tháng 3/2024 hay không. Nếu không, hiệp định sẽ được tự động gia hạn thêm 5 năm.
Trước đó, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cho biết hiện còn quá sớm để dự đoán việc liệu Italy có tiếp tục tham gia sáng kiến hay không. Bà nhận định nước này vẫn có thể duy trì mối quan hệ tốt với Trung Quốc, dù không tham gia BRI.
Ông Vương nói với ông Tajani rằng Trung Quốc và Italy nên tuân thủ cách thức đúng đắn để hòa hợp với nhau thông qua sự tôn trọng, cởi mở và hợp tác. Nhà ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh rằng trước "tình huống mới và cơ hội mới", Bắc Kinh sẵn sàng ủng hộ sự cởi mở và kịch bản đôi bên cùng có lợi.
Theo dantri.com.vn