Đại sứ quán Nga tại Mỹ đã chỉ trích quyết định của Washington về việc cung cấp đạn uranium nghèo cho Ukraine giữa lúc chiến sự căng thẳng.
Một xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams của Mỹ (Ảnh minh họa: Quân đội Mỹ).
"Quyết định của chính quyền Mỹ về việc cung cấp đạn uranium nghèo cho Kiev là một dấu hiệu rõ ràng của sự vô nhân đạo. Rõ ràng, Washington, vốn bị ám ảnh bởi ý tưởng gây ra "thất bại chiến lược" cho Nga, sẵn sàng chiến đấu không chỉ đến người Ukraine cuối cùng mà ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai", Đại sứ quán Nga tại Mỹ bình luận trên Telegram hôm 7/9.
"Mỹ đang cố tình chuyển giao vũ khí một cách bừa bãi. Họ hoàn toàn nhận thức được hậu quả của việc này. Vụ nổ của những loại đạn như vậy sẽ dẫn đến việc hình thành đám mây phóng xạ chuyển động. Các hạt uranium nhỏ tích tụ trong đường hô hấp, phổi, thực quản, tích tụ trong thận và gan, gây ung thư và dẫn đến ức chế chức năng của toàn bộ cơ thể, chỉ cần nhìn vào "dấu vết uranium" của Mỹ ở Iraq và vùng Balkan, nơi hàng nghìn dân thường mắc bệnh ung thư là đủ", cơ quan ngoại giao Nga cho biết.
Theo Đại sứ quán Nga, bằng việc cung cấp đạn uranium nghèo cho Ukraine, Mỹ "đang tự lừa dối mình, từ chối chấp nhận thất bại trong chiến dịch phản công của các lực lượng vũ trang Ukraine".
"Tiến trình của chiến dịch quân sự đặc biệt (ở Ukraine) sẽ không thay đổi: Quân đội Nga sẽ tiếp tục phá hủy các loại vũ khí được gửi đến cho Ukraine", Đại sứ quán Nga cảnh báo.
Theo thông cáo của Lầu Năm Góc, gói viện trợ quân sự mới trị giá 175 triệu USD sẽ bao gồm đạn pháo 120mm với lõi từ uranium nghèo dành cho xe tăng Abrams.
Đây là lần đầu tiên Washington chuyển đạn uranium nghèo cho Ukraine. Trước đó, chỉ có Anh cấp loại đạn này cho Ukraine để sử dụng cho xe tăng Challenger 2.
Uranium nghèo là sản phẩm phụ của quá trình làm giàu hạt nhân được sử dụng để sản xuất nhiên liệu hạt nhân hoặc vũ khí hạt nhân. Mặc dù mức độ bức xạ tương đối thấp nhưng loại đạn này vẫn có thể gây hại nghiêm trọng nếu sử dụng với số lượng lớn trong thời gian ngắn.
Uranium nghèo thích hợp để làm đạn xuyên giáp vì dễ cháy. Khi va chạm với mục tiêu cứng như xe bọc thép, mũi của loại đạn này sẽ giải phóng năng lượng nhiệt khiến nó bốc cháy đốt cháy đạn dược và nhiên liệu, sát thương tổ lái và có thể khiến xe đối phương phát nổ.
Uranium nghèo cũng được dùng làm đạn xuyên giáp cho pháo cỡ nòng 30mm, 25mm, 20mm gắn trên máy bay, trực thăng, xe chiến đấu bọc thép, tàu mặt nước.
Quyết định chuyển đạn uranium nghèo của phương Tây cho Ukraine đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Nga.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov từng nói rằng việc chuyển giao loại vũ khí này sẽ "khiến xung đột leo thang lên một giai đoạn mới và rất nghiêm trọng". Đại sứ quán Nga tại Anh cáo buộc Mỹ và các đồng minh sẵn sàng biến Ukraine "không chỉ trở thành trường bắn quân sự chống Nga mà còn là bãi rác phóng xạ".
Khi đạn uranium nghèo lần đầu tiên xuất hiện ở Ukraine, Moscow đã cảnh báo Anh sẽ "phải chịu trách nhiệm" về những tổn hại không thể khắc phục gây ra cho dân thường cũng như binh lính.
Theo chuyên gia Doug Weir của tổ chức Đài quan sát môi trường và xung đột, khi đạn uranium nghèo tấn công mục tiêu, chúng phân mảnh và đốt cháy, tạo ra hạt uranium độc hại nếu con người hít phải.
Quân đội Nga cảnh báo, việc sử dụng đạn uranium nghèo có khả năng gây ra tác hại đối với sức khỏe của người Ukraine và gây ra thiệt hại kinh tế cho hoạt động nông nghiệp và công nghiệp trong khu vực.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Anh nhấn mạnh rằng, quân đội nước này đã sử dụng uranium nghèo trong các loại đạn xuyên giáp trong nhiều thập niên và những viên đạn này không liên quan gì đến vũ khí hạt nhân.
Cả quan chức Anh và Mỹ đều tranh luận về mối nguy hiểm liên quan tới sức khỏe do sử dụng đạn uranium nghèo, đồng thời phủ nhận các nghiên cứu cho rằng loại vũ khí này có liên quan đến sự gia tăng đột biến bệnh ung thư và dị tật bẩm sinh ở Iraq.
Theo dantri.com.vn