Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng, chính phủ Ukraine sẽ đồng ý đàm phán hòa bình với Nga nếu Moscow đề nghị đàm phán trước.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ở Kiev, Ukraine ngày 6/9 (Ảnh: Reuters).
"Cho đến nay, chúng tôi không thấy dấu hiệu nào cho thấy (Tổng thống Nga) Vladimir Putin có bất kỳ mối quan tâm nào đến hoạt động ngoại giao có ý nghĩa. Nếu ông ấy làm vậy, tôi nghĩ Ukraine sẽ là bên đầu tiên tham gia (đàm phán) và chúng tôi sẽ đứng ngay sau họ", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với ABC News hôm 10/9.
Ngoại trưởng Blinken và các quan chức hàng đầu khác của Mỹ từ lâu đã nhấn mạnh rằng chính phủ Ukraine sẽ quyết định thời điểm tìm kiếm hòa bình với Nga và Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev cho đến thời điểm đó.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba tuần trước tuyên bố cuộc xung đột "không thể kết thúc chỉ bằng cách đơn giản là đưa các bên tham chiến vào bàn đàm phán".
"Cần phải giành chiến thắng trên chiến trường để Nga trở nên nghiêm túc trong việc đàm phán hòa bình", ông Kuleba nhấn mạnh.
Nga cho biết Ukraine đã đồng ý về nguyên tắc với một thỏa thuận hòa bình do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào tháng 4/2022, nhưng đã từ bỏ thỏa thuận này sau chuyến thăm Kiev của cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sau đó đã ban hành sắc lệnh cấm mọi cuộc đàm phán với chính quyền Tổng thống Putin và nhiều lần tuyên bố sẽ giành lại Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporozhye và Crimea, các vùng lãnh thổ tuyên bố sáp nhập vào Nga, bằng vũ lực.
Nga khẳng định sẵn sàng giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột, nhưng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải tính đến "thực tế lãnh thổ mới". Điều này đồng nghĩa với việc Ukraine phải công nhận 4 vùng lãnh thổ sáp nhập vào Nga thuộc chủ quyền của Nga.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 11/9 nói với hãng tin RBK rằng, các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga chỉ có thể bắt đầu sau khi Kiev thay đổi lập trường và tạo ra các điều kiện cần thiết cho những cuộc tiếp xúc như vậy.
Theo ông Peskov, các cuộc đàm phán có thể diễn ra nếu Nga thấy rằng nước này có thể đạt được mục tiêu thông qua các biện pháp khác ngoài hành động quân sự, nhưng hiện tại chưa có điều kiện như vậy.
Khi được hỏi chính phủ Ukraine có thể làm gì, ông Peskov nói: "Trong mọi trường hợp, chính quyền Kiev sẽ phải bắt đầu cuộc đối thoại này từ việc thừa nhận thực tế đã hình thành kể từ khi Kiev từ chối giải quyết các vấn đề thông qua các biện pháp hòa bình".
Ông Peskov nói thêm rằng dự thảo ngừng bắn, thỏa thuận mà Nga và Ukraine gần như đã thông qua vào năm ngoái trong các cuộc đàm phán do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian và sau đó bị Kiev hủy bỏ, là bằng chứng cho thấy Moscow sẵn sàng đàm phán.
Người phát ngôn Điện Kremlin cũng khẳng định, đối với Nga tư cách thành viên của Thụy Điển và Phần Lan trong khối NATO khác với Ukraine.
"Nga không có vấn đề gì với Thụy Điển hay Phần Lan. Chúng tôi không có vấn đề gì liên quan đến an ninh với họ, chúng tôi không có tranh chấp lãnh thổ với họ, những quốc gia này không tiến hành nội chiến chống lại khu vực của họ, những quốc gia này không cưỡng ép người Nga trên lãnh thổ của họ, những quốc gia này không cấm tiếng Nga là ngôn ngữ của người dân. Vì vậy, chúng tôi không có vấn đề gì với họ. Nhưng với Ukraine, mọi thứ hoàn toàn khác và tình hình ở Ukraine hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với chúng tôi", ông Peskov nói thêm.
Thụy Điển và Phần Lan đã nộp đơn gia nhập NATO vào tháng 5/2022, vài tháng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Phần Lan đã trở thành thành viên của liên minh này vào tháng 4, trong khi đơn gia nhập của Thụy Điển vẫn đang chờ Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn. Ukraine nhiều lần bày tỏ mong muốn gia nhập NATO, bất chấp cảnh báo của Nga.
Theo dantri.com.vn