Các công ty công nghệ của Trung Quốc đang tăng cường đổi mới để cạnh tranh với những đối thủ khác trên toàn cầu trong bối cảnh cuộc đua phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng nóng lên sau sự xuất hiện của ChatGPT.
Theo tờ Global Times, Trung Quốc đã phê duyệt 11 ứng dụng lớn về AI, bao gồm công cụ trò chuyện sử dụng AI (chatbot AI) ERNIE Bot của “đại gia” công nghệ Baidu, để phát hành rộng rãi ra công chúng. ERNIE Bot là một mô hình ngôn ngữ lớn (Large language models-LLM) sử dụng công nghệ AI. Ứng dụng này đã được phát triển để có thể thực hiện các nhiệm vụ như hiểu ngôn ngữ, tạo ngôn ngữ và tạo văn bản thành hình ảnh.
Trong một tuyên bố, Baidu cho hay, ngoài ứng dụng ERNIE Bot, công ty còn chuẩn bị tung ra một bộ ứng dụng gốc AI mới cho phép người dùng trải nghiệm đầy đủ 4 khả năng cốt lõi của AI tạo sinh: Hiểu, thu thập thông tin, lý luận và ghi nhớ. Trong khi đó, công ty AI hàng đầu của Trung Quốc iFlytek cũng cho biết đang có kế hoạch nâng cấp ứng dụng của mình vào tháng 10 tới. Ứng dụng dự kiến sẽ vượt trội hơn ChatGPT khi dùng tiếng Trung Quốc và tương đương với ChatGPT về khả năng dùng tiếng Anh.
Khi công ty OpenAI (có trụ sở tại Mỹ) ra mắt ChatGPT vào tháng 11-2022, ứng dụng chatbot này đã tạo nên cơn sốt lớn trên thị trường toàn cầu. Những “gã khổng lồ” công nghệ của Trung Quốc đã nhanh chóng bắt kịp xu hướng này. Vào tháng 3 năm nay, Baidu cho ra mắt ERNIE Bot và một tháng sau đó, Alibaba cho ra mắt Tongyi Qianwen. Ứng dụng này được mô tả là “trợ lý năng suất và giúp tạo ý tưởng, dành riêng cho các mệnh lệnh của con người thông qua LLM”. Tongyi Qianwen được đào tạo bằng mô hình học máy tương tự ChatGPT. Nó có thể trả lời các câu hỏi phức tạp, tạo bài viết chi tiết, thậm chí lập trình.
ERNIE Bot - công cụ trò chuyện sử dụng AI của công ty công nghệ Baidu. Ảnh: CNBC |
Các LLM được đào tạo dựa trên một lượng lớn dữ liệu internet nhằm giúp AI dự đoán và phản hồi giống như con người đối với yêu cầu của người dùng. Theo báo cáo của các viện nghiên cứu do Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc quản lý, tính đến tháng 5-2023, nước này có ít nhất 79 LLM. Con số này dự kiến sẽ tăng lên khi các nhà đầu tư và doanh nhân đổ xô khai thác thị trường Trung Quốc.
Việc Trung Quốc mạnh tay đầu tư vào LLM đã làm dấy lên các cuộc tranh luận về việc liệu nước này có chi quá nhiều tiền hay không. Bởi lẽ, phát triển LLM rất tốn kém, một phần vì quá trình này đòi hỏi nhiều chip tiên tiến. Ông Lee Kai-fu, một nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng và là cựu Chủ tịch của Google chi nhánh Trung Quốc cho rằng phát triển các LLM là một “cơ hội lịch sử” mà Trung Quốc không thể bỏ lỡ. Theo ông Lee Kai-fu, nếu Bắc Kinh tiếp tục dựa vào các mô hình mã nguồn mở do các công ty nước ngoài xây dựng thì họ sẽ phải đối mặt với những rủi ro như chi phí cao và quyền truy cập bị hạn chế. Do đó, chỉ bằng cách phát triển các LLM của riêng mình, Trung Quốc mới có thể đạt được lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực AI.
Báo cáo của Zhidongxi, một công ty nghiên cứu tập trung vào AI ở Trung Quốc cho hay, nước này đã dẫn đầu làn sóng đầu tư toàn cầu vào AI trong nửa đầu năm nay. Trong khi những “ông lớn” công nghệ như Tencent, Baidu và Alibaba đang phát triển các LLM của riêng mình, họ cũng đang đổ tiền vào các công ty khởi nghiệp về AI. Theo South China Morning Post, Trung Quốc đang coi AI là công cụ chiến lược trong cuộc cách mạng công nghệ với hy vọng có thể hỗ trợ nền kinh tế tổng thể. Công ty dịch vụ chuyên nghiệp PwC ước tính rằng Trung Quốc sẽ hưởng lợi lớn khi AI góp phần làm tăng 26% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này vào năm 2030.
Các chuyên gia công nghệ nhận định, ngành AI của Trung Quốc đang phát triển với tốc độ chưa từng có trong năm nay bất chấp những khó khăn, thách thức. Nhà phân tích công nghệ độc lập Liu Dingding nói với tờ Global Times: “Nhìn chung, ngành AI của Trung Quốc đã chứng kiến những tiến bộ với tốc độ chưa từng có trong năm nay. Nhờ các chính sách hỗ trợ, Trung Quốc bước vào thời kỳ phát triển nhanh chóng các ứng dụng AI lớn. Các ứng dụng AI của Trung Quốc đang cạnh tranh với những ứng dụng của phương Tây”. Theo ông Liu Dingding, Trung Quốc đã tăng tốc nỗ lực đào tạo và mở rộng nguồn nhân tài về AI, xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu và tạo ra những đột phá về công nghệ.
Trong khi sự bùng nổ của AI tạo ra những cơ hội mới cho phát triển kinh tế-xã hội thì công nghệ này cũng mang đến những rủi ro tiềm ẩn như lan truyền thông tin giả mạo, xâm phạm thông tin cá nhân và an toàn dữ liệu. Do đó, các cơ quan chức năng Trung Quốc đang tăng cường quản lý AI để bảo đảm phát triển lành mạnh thị trường.
Theo qdnd.vn