Các nhà phân tích cho rằng Nga đã mắc lỗi chiến thuật khi tập trung quá nhiều nhân lực và vũ khí ở tuyến phòng thủ đầu tiên, khiến các tuyến phòng thủ phía sau yếu hơn.
Binh sĩ Ukraine tập trận (Ảnh: Reuters).
Theo các nhà phân tích, mặc dù Nga đã xây dựng hệ thống phòng thủ phức tạp, nhiều lớp, bao gồm các bãi mìn dày đặc, chướng ngại vật xe tăng và công sự trải dài hàng trăm km, họ vẫn chưa sử dụng chúng một cách chiến lược.
Chiến dịch phản công của Ukraine ban đầu diễn ra chậm chạp, nhưng đã đạt được một số thành tựu đáng chú ý trong những tuần gần đây, đặc biệt là việc chọc thủng tuyến phòng thủ đầu tiên của Nga trên mặt trận Zaporizhzhia ở mặt trận phía nam.
Michael Kofman, nhà phân tích quốc phòng và thành viên cấp cao tại Tổ chức Hòa bình Quốc tế Carnegie, cho rằng Ukraine đang nỗ lực chọc thủng phòng tuyến thứ hai của Nga. Các tướng lĩnh Ukraine nhận định tuyến phòng thủ thứ hai của Nga có thể sẽ dễ dàng bị xuyên thủng hơn.
Theo các nhà phân tích, mặc dù Nga đã xây dựng một hệ thống phòng thủ có chiều sâu, bao gồm nhiều vị trí trải rộng trên khu vực cho phép các lực lượng của Nga lùi lại và kìm hãm bước tiến của đối phương, nhưng trong suốt chiến dịch phản công, Nga đã triển khai phần lớn lực lượng để bảo vệ phòng tuyến đầu tiên.
Các lực lượng Nga đang tiến hành các cuộc phản công trước phòng tuyến này. Chuyên gia Kofman cho rằng đây là một "chiến lược rất tốn kém" vì Nga đã mất một lượng đáng kể xe chiến đấu bọc thép và binh lính.
"Phòng tuyến thứ hai đang trông cậy vào khả năng (Nga) rút lui. Nhưng nếu không còn ai rút lui từ phòng tuyến đầu tiên thì ai sẽ bảo vệ phòng tuyến thứ hai?", Viktor Kivliuk, một đại tá Ukraine đã nghỉ hưu hiện làm việc tại Trung tâm Chiến lược Quốc phòng, cho biết.
"Đối phương có nhiều bộ binh nhưng không đủ trang thiết bị và xe chiến đấu bộ binh, buộc họ phải chạy vòng quanh khi triển khai hoạt động. Họ đang làm những gì chỉ huy yêu cầu, nhưng sự thiếu hụt khiến họ không thể làm điều đó một cách chính xác", cựu đại tá Ukraine nhận định.
Trước đây, các tuyến phòng thủ của Nga từng được xây dựng dưới sự chỉ huy của tướng Sergei Surovikin, người đã vắng bóng sau cuộc nổi dậy của tập đoàn quân sự tư nhân Wagner hồi tháng 6. Còn bây giờ, dưới sự chỉ huy của tướng Valery Gerasimov, các lực lượng Nga dường như đang triển khai một chiến lược khác với mục đích mà các tuyến phòng thủ được xây dựng ban đầu.
Theo chuyên gia Kofman, trong khi tướng Surovikin muốn triển khai chiến thuật phòng thủ truyền thống, tướng Gerasimov lại thích lối phòng thủ chủ động, bao gồm các đòn phản công thường xuyên.
Một số mũi tiến công của Ukraine (Ảnh: WSJ).
Tháng trước, Ukraine tuyên bố quân đội của nước này đã chọc thủng tuyến phòng thủ đầu tiên của Nga ở Zaporizhia và đang tiếp cận tuyến phòng thủ thứ hai với hy vọng các tuyến sau yếu hơn tuyến trước.
Oleksandr Tarnavskyi, chỉ huy lực lượng tác chiến và chiến lược Tavriia của Ukraine, hồi đầu tháng 9 cho hay ước tính Nga đã dành 60% thời gian và nguồn lực để xây phòng tuyến đầu tiên, và chỉ 20% cho mỗi phòng tuyến thứ hai, thứ ba.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo còn quá sớm để khẳng định các phòng tuyến phía sau của Nga lỏng lẻo hơn tuyến đầu tiên.
Các chuyên gia cho rằng, sau khi chọc thủng phòng tuyến đầu tiên của Nga, Ukraine cần phải khiến lực lượng Nga rút khỏi các công sự kiên cố, cắt đứt nguồn tiếp viện của Nga.
Mục đích của các tuyến phòng thủ của Nga là làm chậm và làm suy yếu lực lượng Ukraine. Ngay cả khi quân đội Ukraine vượt qua được phòng tuyến đầu tiên, họ vẫn phải đối đầu với các lực lượng mới của Nga đang cố thủ ở tuyến thứ hai hoặc thứ ba.
Gần đây, Ukraine tăng cường các cuộc tập kích vào bán đảo Crimea, nơi được coi là trung tâm hậu cần cho lực lượng Nga ở miền Nam Ukraine.
Cố vấn của Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak tiết lộ, chiến lược của nước này nhằm giành lại Crimea gồm 3 nhiệm vụ chính, trong đó có tấn công vào các mục tiêu quân sự.
Theo dantri.com.vn