Hội nghị thượng đỉnh thường niên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Ấn Độ mới đây, đã chính thức thông báo về việc cấp tư cách thành viên thường trực cho Liên minh châu Phi (AU). Sự kiện có ý nghĩa đặc biệt với châu lục này, mang lại một khuôn khổ thuận lợi để Lục địa đen đóng góp hiệu quả vào nỗ lực của thế giới giải quyết những thách thức toàn cầu.
Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Ấn Độ. (Ảnh CNBC) |
Ý tưởng kết nạp AU vào G20 lần đầu tiên được Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) đưa ra vào ngày 15/12/2022. Theo ông Biden, đây là một nỗ lực nhằm phục hồi mối quan hệ với một khu vực từng bị bỏ quên.
Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat (M.A.Ma-ha-mát) đã hoan nghênh việc AU gia nhập G20 và theo ông, tư cách thành viên này sẽ cung cấp một khuôn khổ thuận lợi để tăng cường vận động sự ủng hộ của châu Phi, cũng như thúc đẩy những đóng góp hiệu quả của châu lục này vào nỗ lực giải quyết các thách thức toàn cầu.
Đánh giá ý nghĩa sự kiện, Tổng thống Kenya William Ruto (U.Ru-tô) cho rằng, việc AU gia nhập G20 sẽ mang lại tiếng nói và tầm nhìn cho những lợi ích và quan điểm của châu Phi trong tổ chức quan trọng này. Ông nhấn mạnh, với việc AU sẵn sàng phát triển trong những năm tới, một ghế thành viên sẽ cho phép khu vực này định hình các quyết định của G20 nhằm bảo đảm nâng cao lợi ích của lục địa.
Tổng thống Nigeria Bola Ahmed Tinubu (A.Ti-nu-bu) nhấn mạnh rằng, châu Phi mong muốn thúc đẩy hơn nữa khát vọng của mình trên trường quốc tế với sự hỗ trợ của G20.
Là một trong những tổ chức khu vực lớn nhất thế giới, AU có tổng cộng 55 thành viên. Các nước AU có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 3.000 tỷ USD và dân số hơn 1,4 tỷ người. Trong 7 năm qua, AU đã tích cực vận động để có được tư cách thành viên đầy đủ trong G20.
Quyết định của G20 kết nạp liên minh của hơn 50 quốc gia châu Phi là sự công nhận đáng kể về khả năng toàn cầu hóa ngày càng tăng của châu Phi. Trước khi kết nạp AU, các nước G20 chiếm 85% sản lượng kinh tế thế giới và 75% thương mại thế giới, đồng thời chiếm hai phần ba dân số toàn cầu.
Việc AU tham gia G20 sẽ cho phép châu lục này tham dự sâu hơn vào nhiều vấn đề quốc tế chung như kinh tế, khí hậu, chính sách y tế và an ninh quốc gia, trao thêm cơ hội cho các quốc gia châu Phi trong việc đưa ra giải pháp cho những thách thức toàn cầu đang tác động đến chính họ, từ biến đổi khí hậu, an ninh lương thực đến sức khỏe cộng đồng. Việc giải quyết những thách thức này đòi hỏi các hành động tập thể trong khuôn khổ hợp tác G20.
AU trở thành thành viên chính thức của G20 là một cơ hội tuyệt vời để các nước châu Phi củng cố vị thế của mình hơn nữa trong hệ thống kinh tế và thương mại toàn cầu, nhất là dưới sự thành lập của Khu vực Thương mại tự do châu Phi. G20 được hy vọng sẽ giúp các sản phẩm của châu Phi thâm nhập thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, điều này cũng đặt châu Phi trước thách thức phải tăng cường nỗ lực và cam kết hướng tới công nghiệp hóa.
Để có thể bắt kịp mức tăng trưởng của các đối tác, các nước châu Phi cần gia tăng giá trị cho nguyên liệu thô của mình để tăng doanh thu xuất khẩu. Châu Phi cũng cần một chiến lược tối đa hóa lợi ích khi tham gia các tổ chức toàn cầu. Ngoài tư cách thành viên, lục địa này cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong các quyết định có ảnh hưởng đến sự phát triển của châu lục mà không chịu tác động từ bên ngoài.
Châu Phi đóng vai trò quan trọng trong chương trình nghị sự G20 năm 2023, bao gồm đẩy nhanh hành động về khí hậu, giảm tác động của địa chính trị đối với an ninh lương thực và năng lượng, cung cấp thêm tín dụng cho các nước đang phát triển thông qua các thể chế đa phương và tái cấu trúc nợ toàn cầu… Nền tảng G20-châu Phi sẽ thúc đẩy hành động nhằm đối phó các thách thức toàn cầu và được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho sự phát triển kinh tế và xã hội của Lục địa đen.
Theo nhandan.vn