Quân sự thế giới hôm nay (2-11) có những nội dung sau: Tên lửa Nga tiêu diệt xe tăng Strv 122 của Ukraine, phiến quân Houthi tham gia xung đột Hamas-Israel, Indonesia hoàn thành phát triển hệ thống pháo phản lực phóng loạt R-Han 122B.
* Tên lửa Nga tiêu diệt xe tăng Strv 122 của Ukraine
Army Recognition đưa tin quân đội Nga đã phóng tên lửa phá hủy xe tăng Strv 122 – bản nâng cấp hiện đại nhất của “báo đốm” Leopard 2 do Thụy Điển cung cấp cho Ukraine.
Cận cảnh xe tăng Strv 122 của Ukraine bốc cháy. Ảnh: Army Recognition |
Theo đó, xe tăng Strv 122 thuộc Lữ đoàn Cơ giới số 21 Ukraine đã trúng tên lửa chống tăng dẫn đường của Nga trong tác chiến phản kích cuộc tấn công gần thành phố Kupyansk thuộc Kharkov.
Trong video được đăng tải trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), tên lửa được cho là Kornet đã bắn trúng tháp pháo của xe tăng Strv 122, khiến phương tiện này bốc cháy dữ dội.
Tuy nhiên, kíp điều khiển và binh lính trên xe tăng kịp thoát ra ngoài. Đây là chiếc Leopard 2 thứ sáu của Ukraine bị lực lượng Nga phá hủy trong một tuần qua.
Stridsvagn 122, hay còn gọi là Strv 122, là mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực do Thụy Điển cùng Đức hợp tác sản xuất và được đưa vào hoạt động từ năm 1997.
Về thông số kỹ thuật, Strv 122 có chiều dài gần 10m, rộng 3,75m, cao 3m và nặng 62,5 tấn. Kíp điều khiển của xe gồm bốn người. Xe tăng được trang bị lớp giáp phức hợp thế hệ thứ 3, bao gồm thép có độ cứng cao, vonfram, nhựa tổng hợp và các vật liệu gốm.
Hỏa lực chính của Strv 122 là pháo nòng trơn 120mm, cơ số đạn 42 viên. Bên cạnh đó, xe còn được trang bị hai súng máy cỡ nòng 7,62x51mm chuẩn NATO và bốn súng phóng lựu đạn khói GALIX.
Sử dụng động cơ diesel MTU MB 873 Ka-501 làm mát bằng nước, công suất 1.500 mã lực, Strv 122 có thể di chuyển với vận tốc tối đa 68km/giờ, phạm vi hoạt động 550km.
Cuộc xung đột ở Ukraine vẫn đang thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế và việc các thiết bị quân sự hạng nặng như xe tăng Leopard 2 bị phá hủy càng nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của tình hình trên thực địa. Nỗ lực ngoại giao, đàm phán đối thoại hiện được xem là giải pháp tối ưu nhất hiện nay có thể chấm dứt chiến sự, hạ nhiệt và tìm lối thoát cho cuộc khủng khoảng này.
* Phiến quân Houthi tham gia xung đột Hamas-Israel
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Trung Đông, nhóm phiến quân Houthi của Yemen đã tuyên chiến với Israel và phóng một loạt tên lửa và máy bay không người lái về phía Nam lãnh thổ Israel.
Nhóm Houthi trong một cuộc diễn tập gần Sanaa, Yemen ngày 30-10. Ảnh: The Indian Express |
Ngày 1-11, nhóm Houthi đã công bố đoạn phim về các vụ phóng tên lửa này.
Theo Army Recognition, ngày 31-10, Yahya Sarea, người phát ngôn của nhóm phiến quân Houthi, đã tuyên bố trên nền tảng mạng xã hội X rằng hành động này nhằm trả đũa cuộc tấn công của quân đội Israel ở dải Gaza.
Đáp trả lại điều này, quân đội Israel cho biết hệ thống phòng không Arrow của họ đã đánh chặn thành công một tên lửa đất đối đất bắn về phía thành phố Eilat. Ngoài ra, hệ thống phòng thủ này còn vô hiệu hóa các “mối đe dọa trên không” được cho là máy bay không người lái bay trên Biển Đỏ, đảm bảo không có mối đe dọa nào xâm phạm lãnh thổ Israel.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng mặc dù đã bị chặn lại, nhưng cuộc tấn công nói trên đã cho thấy tiềm lực quân sự đáng kể của Houthi.
* Indonesia hoàn thành phát triển hệ thống pháo phản lực phóng loạt R-Han 122B
Military Leak đưa tin ngày 1-11, Bộ Quốc phòng Indonesia tiết lộ công ty chế tạo quốc phòng Indonesia PT Pindad đã hoàn thành quá trình phát triển hệ thống pháo phản lực phóng loạt R-Han 122B (MLRS) với tốc độ tối đa đạt Mach 2,95 (tương đương 3.614 km/giờ) và phạm vi tối đa là 32km.
Indonesia hoàn tất việc phát triển hệ thống pháo phản lửa phóng loạt R-Han 122B. Ảnh: Military Leak |
Thành tựu đột phá này đã đánh dấu bước tiến đáng kể của Indonesia trong nỗ lực tăng cường năng lực phòng thủ. Theo đó, hệ thống pháo phản lực phóng loạt R-Han 122B đã vượt qua một loạt các bài thử nghiệm nghiêm ngặt để đảm bảo tính hiệu quả và độ tin cậy. Bộ Quốc phòng Indonesia hiện đang trong quá trình hoàn tất các hợp đồng mua sắm hệ thống R-Han 122B và đạn cối 60mm.
Ban đầu được đặt tên là D-230, sau khi Bộ Quốc phòng mua lại thiết kế, hệ thống pháo phản lực này đã được đổi tên thành R-Han 122B. Một trong những thách thức lớn trong quá trình phát triển hệ thống này là việc hoàn thiện hệ thống cách nhiệt cho pháo phản lực. Nhiệt độ phóng cao, lên tới 3.000°C, gây ra rủi ro lớn cho người vận hành. Với những nỗ lực bền bỉ, các nhà nghiên cứu đã thay đổi vật liệu, như sử dụng nhôm nhẹ để chế tạo pháo phản lực và sử dụng cao su hoặc polyme để cách nhiệt, từ đó phát triển thành công một hệ thống pháo phản lực mạnh mẽ và đáng tin cậy. Ngày 6-10-2010, R-Han 122B bắn thử nghiệm lần đầu ở thành phố Baturaja, Nam Sumatra. Tháng 6-2015, hệ thống này trải qua cuộc thử nghiệm động lực đầu tiên, sau đó là cuộc thử nghiệm lần hai vào tháng 8 cùng năm.
Theo PT Pindad, R-Han 122B có cỡ nòng 122mm, chiều dài tổng thể đạn 2,81m, có thể mang đầu đạn lên tới 15kg trong phạm vi tối đa 305km với tốc độ Mach 1,8.
Theo qdnd.vn