Chạy đua tìm "vũ khí" diệt virus corona

Thứ 3, 04.02.2020 | 00:00:00
529 lượt xem

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết kháng sinh không có tác dụng phòng chống virus corona mới do nó chỉ có tác dụng đối với vi khuẩn.

Nhiều chuyên gia trên thế giới đang cảnh báo về nguy cơ virus corona mới (nCoV) gây đại dịch toàn cầu bất chấp không ít quốc gia đang thực thi các biện pháp hạn chế đi lại và kiểm dịch.

Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh số lượng người nhiễm và tử vong vì nó không ngừng gia tăng. Riêng tại Trung Quốc, số liệu thống kê công bố hôm 4-2 cho thấy số trường hợp tử vong tiếp tục tăng lên 426.

Hy vọng ngăn chặn kịch bản xấu nói trên giờ đây có thể đến từ nỗ lực của các phòng thí nghiệm khắp thế giới nhằm phát triển các phương pháp xét nghiệm, vắc-xin và thuốc để ứng phó với nCoV.

Một trong những phòng thí nghiệm đang tham gia cuộc chiến cam go này là của ông Vincent Munster, một nhà vi trùng học tại Viện Nghiên cứu các bệnh dị ứng và truyền nhiễm quốc gia Mỹ. Cơ sở của ông trong tuần này dự kiến nhận được một mẫu virus nCoV từ Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC).

Chạy đua tìm vũ khí diệt virus corona - Ảnh 1.

Các nhà khoa học tại Viện Virus học thuộc Trường ĐH Marburg (Đức) đang nỗ lực tìm kiếm vắc-xin phòng chống nCoVẢnh: Reuters

Trang Nature dẫn lời ông Munster cho biết ưu tiên hàng đầu của phòng thí nghiệm là nhận biết các động vật bị lây nhiễm virus nCoV theo những cách tương tự như ở người. Những mô hình động vật như thế sẽ tỏ ra hữu ích trong quá trình thử nghiệm vắc-xin và thuốc.

Ngoài ra, cơ sở này còn muốn nghiên cứu xem nCov có thể sống sót bao lâu trong không khí hoặc giọt nước bọt. Điều này có thể giúp xác định xem liệu virus có thể lan truyền qua không khí hay không hay chỉ thông qua tiếp xúc gần.

Trong khi đó, phòng thí nghiệm của chuyên gia Bart Haagmans tại Trung tâm Y tế Erasmus (Hà Lan) chú trọng phát triển một loại xét nghiệm máu để tìm các kháng thể chống lại nCoV. Điều này sẽ cho phép các nhà nghiên cứu xác định được những người từng bị phơi nhiễm nCoV nhưng không bị nhiễm virus.

Phòng thí nghiệm đầu tiên cô lập và nghiên cứu nCoV nằm ngay tại "ổ dịch" Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc - Trung Quốc. Một nhóm chuyên gia tại Viện Virus học Vũ Hán đã cô lập được virus này từ một phụ nữ 49 tuổi đã phát triển các triệu chứng bệnh từ ngày 23-12-2019.

Sau đó, một phòng thí nghiệm ở Úc thông báo hôm 28-1 rằng họ đã có được các mẫu virus từ một người bị lây nhiễm sau khi từ Trung Quốc trở về. Nhóm nghiên cứu này đang chuẩn bị chia sẻ các mẫu virus này với những nhà khoa học khác.

Các phòng thí nghiệm tại Pháp, Đức và Hồng Kông cũng có bước đi tương tự. Theo các nhà khoa học, các mẫu virus rất cần thiết cho nỗ lực thử nghiệm thuốc và vắc-xin, cũng như phục vụ chuyện nghiên cứu kỹ hơn về virus này.

Chạy đua tìm vũ khí diệt virus corona - Ảnh 2.


Hy vọng cũng đến từ thông tin được Bộ Y tế Thái Lan công bố hôm 2-2. Các bác sĩ tại bệnh viện Rajavithi ở thủ đô Bangkok đã điều trị thành công một bệnh nhân 71 tuổi nhiễm nCov nhờ kết hợp oseltamivir - một loại thuốc chống cúm dùng để điều trị Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) - cùng với lopinavir và ritonavir, hai loại thuốc điều trị AIDS.

Các bệnh viện tại thủ đô Bắc Kinh được cho là cũng sử dụng loại thuốc dành cho bệnh nhân AIDS như là một phần của nỗ lực điều trị người nhiễm nCoV dù chưa rõ liệu họ có thành công hay không. Dù vậy, theo Tân Hoa Xã, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc hôm 3-2 thông báo tổng cộng có 475 bệnh nhân bị nhiễm nCoV được chữa khỏi bệnh và xuất viện.

Cùng ngày, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết kháng sinh không có tác dụng phòng chống nCoV do nó chỉ có tác dụng đối với vi khuẩn. Tuy nhiên, nếu một bệnh nhân nhập viện do nhiễm nCoV, vẫn có thể điều trị bằng kháng sinh vì bệnh nhân có thể đồng nhiễm vi khuẩn. 

Bắc Kinh lo kinh tế chịu tác động tiêu cực

Chứng khoán châu Á đồng loạt lao dốc trong phiên giao dịch hôm 3-2 khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán giữa lúc nỗi lo về virus corona mới (nCoV) gia tăng.

Tại Trung Quốc, theo Reuters, những nỗi lo về nCoV đã thổi bay hơn 400 tỉ USD khỏi thị trường chứng khoán. Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc "bơm" 1.200 tỉ nhân dân tệ (174 tỉ USD) vào hệ thống tài chính để thúc đẩy nền kinh tế. Theo Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ giúp các công ty sản xuất hàng tiêu dùng quan trọng nối lại hoạt động sớm nhất có thể.

Bắc Kinh lo kinh tế chịu tác động tiêu cực - Ảnh 1.

Nhân viên an ninh đeo khẩu trang trong lúc làm nhiệm vụ tại Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải - Trung Quốc hôm 3-2Ảnh: REUTERS

Phần lớn các tỉnh ở Trung Quốc quyết định kéo dài kỳ nghỉ Tết để ngăn chặn sự lây lan của nCoV. Tại tỉnh Hồ Bắc, công nhân sẽ chỉ quay lại làm việc sau ngày 13-2. Ông Liên Duy Lương, Phó Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC), nhận định dịch bệnh đang tác động ngày càng xấu đến kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là tại lĩnh vực tiêu dùng. Một số nhà phân tích cảnh báo sự hoành hành của nCoV có thể làm giảm mạnh tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong năm nay.

Cao Lực

Hoàng Phương/nld.com.vn

https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/chay-dua-tim-vu-khi-diet-ncov-20200203220016108.htm

  • Từ khóa