Kỳ họp "lưỡng hội" là sự kiện chính trị quan trọng nhất năm của Trung Quốc, đặt ra ưu tiên chính sách cho nước này trong loạt lĩnh vực từ kinh tế, ngoại giao, quân đội đến phát triển xã hội.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ khai mạc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp), với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Chủ tịch Quốc hội) Triệu Lạc Tế vào ngày 4/3 (Ảnh: AFP).
Lần lượt vào ngày 5 và 4/3, Trung Quốc khai mạc kỳ họp thứ 2 của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) khóa 14 và Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân toàn quốc (Chính hiệp) khóa 14 tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, còn gọi là "lưỡng hội".
Global Times đánh giá "lưỡng hội" là sự kiện chính trị quan trọng nhất năm của nước này, đặt ra ưu tiên chính sách cho Trung Quốc trong một loạt lĩnh vực.
Sự kiện năm nay đặc biệt đáng chú ý vì đây là lần đầu tiên chính phủ mới của Trung Quốc sẽ trình bày báo cáo công tác trước Quốc hội trước ánh mắt của truyền thông toàn cầu. "Lưỡng hội năm nay đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của mọi thành phần trong xã hội", Global Times viết.
"Lưỡng hội" là gì?
Sở dĩ sự kiện này được gọi là "lưỡng hội" vì cả Quốc hội và Chính hiệp Trung Quốc tổ chức họp cùng thời gian và địa điểm, dù kỳ họp của 2 cơ quan vẫn tách biệt.
Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Trung Quốc. Kỳ họp năm nay của cơ quan này có sự tham gia của gần 3.000 đại biểu, chủ yếu là quan chức và đảng viên đảng Cộng sản. Họ sẽ phê chuẩn luật, hoàn tất công tác cải tổ nhân sự và phê duyệt ngân sách chính phủ trong năm.
Kỳ họp năm nay bắt đầu vào ngày 5/3, dự kiến kéo dài khoảng một tuần.
Chính hiệp là cơ quan cố vấn chính trị của Trung Quốc. Trong kỳ họp của cơ quan này, hơn 2.000 đại biểu sẽ cùng đưa ra các đề xuất chính sách.
Nhân viên an ninh tuần tra tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh trước phiên khai mạc Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc vào năm 2023. (Ảnh: Getty).
Đại biểu Chính hiệp có thể bao gồm các lãnh đạo doanh nghiệp, người nổi tiếng và những người có ảnh hưởng khác không phải thành viên đảng Cộng sản Trung Quốc, qua đó thể hiện tính đại diện cao cho xã hội. Một số đại biểu đáng chú ý trước đây bao gồm ngôi sao bóng rổ Diệu Minh và nữ diễn viên Củng Lợi.
Một trong những điểm nổi bật của sự kiện này kể từ năm 1993 là cuộc gặp gỡ báo chí của Thủ tướng Trung Quốc vào ngày cuối cùng của kỳ họp. Nhưng năm nay và trong toàn bộ thời gian còn lại của nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14, Trung Quốc sẽ không tổ chức họp báo Thủ tướng, Reuters dẫn lời người phát ngôn Quốc hội nước này.
Chính sách kinh tế
"Lưỡng hội" thường là dịp Trung Quốc đưa ra thông báo chính sách quan trọng. Năm nay, Thủ tướng Lý Cường sẽ lần đầu trình bày báo cáo công tác chính phủ kể từ khi được bổ nhiệm vào kỳ họp năm ngoái.
Chính sách kinh tế là vấn đề sẽ được chú trọng trong lưỡng hội lần này.
Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 5,2% vào năm ngoái và nhiều nhà phân tích kỳ vọng Thủ tướng Lý Cường sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% cho năm 2024, mục tiêu đầy tham vọng trong bối cảnh thị trường bất động sản và nhu cầu tiêu dùng đều yếu.
Mức tăng trưởng lệ này cao so với các nền kinh tế phát triển, nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu hơn 6% của 5 năm trước.
Lưỡng hội năm nay là cơ hội để lãnh đạo Trung Quốc thể hiện họ có kế hoạch ngăn chặn sự suy thoái đột ngột của nền kinh tế. Thủ tướng Lý Cường được kỳ vong công bố các biện pháp kích cầu mạnh mẽ hơn và chi tiêu chính phủ nhiều hơn.
Thủ tướng Lý Cường cũng có thể sẽ giải thích thêm về phương thức Trung Quốc muốn tận dụng "lực lượng sản xuất mới", khái niệm được Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra lần đầu tiên vào tháng 9/2023, mô tả các biện pháp thúc đẩy các ngành công nghiệp chiến lược, bao gồm trí tuệ nhân tạo.
Đoàn đại biểu quân đội đến dự phiên khai mạc Hội nghị Chính Hiệp tại Quảng trường Thiên An Môn, ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 4/3 (Ảnh: Reuters).
Cải tổ nhân sự
Lưỡng hội năm nay cũng có thể là dịp để Trung Quốc hoàn thành cải tổ bộ máy.
Theo SCMP, hiện chưa rõ liệu Bắc Kinh có bổ nhiệm ngoại trưởng mới hay không. Trước đó, Quốc hội Trung Quốc hồi tháng 7/2023 đã miễn nhiệm ông Tần Cương và bổ nhiệm ông Vương Nghị thay thế. Giới phân tích nhận định ông Lưu Kiến Siêu là lựa chọn tiềm năng.
Theo giới phân tích và truyền thông trong nước, cuộc bầu cử sắp tới của Mỹ cũng phần nào ảnh hưởng đến lưỡng hội. Để chủ động ứng phó biến động tiềm tàng nếu ông Trump chiến thắng vào tháng 11, Bắc Kinh dự kiến tăng cường các kế hoạch nhằm đảm bảo "sự tự chủ" trong các công nghệ quan trọng như chất bán dẫn.
Thúc đẩy tỷ lệ sinh
Theo Global Times, chính sách thúc đẩy tỷ lệ sinh dự kiến trở thành tâm điểm đối với các đại biểu tham dự lưỡng hội năm nay.
Là một phần trong nỗ lực thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao của Trung Quốc, một cố vấn Chính hiệp đã đề xuất Trung Quốc bãi bỏ hoàn toàn giới hạn sinh để tăng tỷ lệ sinh trong nước và đưa ra chính sách hỗ trợ sinh bình đẳng cho cha mẹ đơn thân, cũng như trẻ em sinh ngoài giá thú.
Trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm nhanh, việc tiếp tục hạn chế số con mà các gia đình có thể sinh là không còn phù hợp, Xiong Shuilong, thành viên Ủy ban Quốc gia Chính hiệp, nói trong đề xuất gửi tới Global Times.
Ông Xiong đề xuất bãi bỏ hoàn toàn giới hạn về số lượng con mà người dân có thể sinh và thực sự trả lại quyền sinh con cho các gia đình. Đồng thời, cha mẹ đơn thân hoặc chưa lập gia đình phải được trao quyền bình đẳng trong việc hưởng các chính sách hỗ trợ liên quan đến việc sinh con, ông Xiong nêu trong dự thảo đề xuất.
Theo dantri.com.vn