Hình ảnh từ hiện trường cho thấy Nga phủ lớp bảo vệ trông giống mai rùa lên xe tăng chiến đấu trên tiền tuyến ở Ukraine.
Cận cảnh chiếc T-72 Nga được phủ "mai rùa" (Ảnh: Defense Express).
Hôm 8/4, trong một trong những cuộc tấn công gần Krasnohorivka, lực lượng Nga đã sử dụng xe tăng T-72 với hình thức đặc biệt.
Chiếc xe tăng được phủ lớp bảo vệ kín như một chiếc mai rùa. Một điều khác lạ nữa là trong cả đoàn xe của Nga chỉ có một chiếc được phủ "mai rùa", trong khi những xe khác không có lớp bảo vệ tương tự.
Theo thông tin hiện trường, chiếc "mai rùa" này đã giúp xe tăng Nga tránh được đòn tấn công của Ukraine và giúp cho bộ binh Nga xuống xe an toàn ở vị trí cần tiến công trong lúc chiến sự khốc liệt.
Nếu xem xét kỹ hơn, chiếc T-72 này được trang bị con lăn chống mìn KMT-7. Điều này cho thấy chiếc xe T-72 dẫn đầu đoàn xe là để nhằm vượt qua bãi mìn mà Ukraine triển khai. Chiếc "mai rùa" nhằm bảo vệ xe tăng khỏi nguy cơ bị UAV Ukraine tấn công.
Chiếc xe đặc biệt dẫn đầu đoàn thiết giáp Nga (Ảnh: Defense Express).
Trong các cuộc chiến đấu trước đây, việc đối thủ nhằm vào xe dẫn đầu thường làm rối loạn cả đội hình. Trong thời gian mọi thứ trở nên hỗn loạn, bên phòng thủ sẽ nhanh chóng triển khai pháo hoặc vũ khí chống tăng để hạ những xe còn lại. Vì vậy, Nga đặt một chiếc xe được bảo vệ kiên cố nhất ở đầu dường như có lý do.
Thứ 2, theo Defense Express, dưới lớp "mai rùa" trên chiếc T-72, Nga dường như đặt tổ hợp tác chiến điện tử Tsar trên tháp pháo xe tăng. Chưa rõ thông tin này có đúng hay không, nhưng đây là điều không khó hiểu.
Xe đầu đoàn được trang bị tác chiến điện tử sẽ giảm thiểu nguy cơ đoàn xe bị UAV Ukraine lao vào. Máy bay không người lái được xem là "sát thủ diệt tăng" mới nổi trên chiến trường Ukraine thời gian qua. Việc Nga biến T-72 thành thiết bị gây nhiễu lưu động là có khả năng xảy ra.
Nga cũng được đánh giá là cường quốc về tác chiến điện tử (EW), với hàng loạt các hệ thống gây nhiễu tinh vi. Trong thời gian qua, Nga không ngừng phát triển và cải tiến các tổ hợp EW để gắn trên xe tăng, xe bọc thép, nhằm giảm thiểu rủi ro trước mối đe dọa UAV.
Về mặt bản chất, xe tăng vẫn rất cần thiết để một đội quân chiếm lãnh thổ của phía còn lại, nên việc bảo vệ vũ khí này trước các mối đe dọa mới là cần thiết.
Ngoài ra, những hình ảnh ban đầu cho thấy lớp "mai rùa" có thể khiến xe tăng cồng kềnh và nặng hơn, nhưng theo giới quan sát, nó có thể tạo ra thêm không gian cho một số binh sĩ nhất định triển khai phía dưới.
Có khả năng là chiếc "mai rùa" này không chỉ bảo vệ xe tăng, mà còn giúp xe triển khai thêm một số quân nhân để đổ bộ xuống mục tiêu theo kế hoạch.
Nếu đây là sự thật, nó có thể là sự thay đổi trong chiến thuật của Nga. Các báo cáo hiện trường chỉ ra, Nga trong thời gian qua thường đổ bộ 20-25 lính dù từ xe bọc thép xuống cùng một lúc để tấn công một vị trí của Ukraine, con số nhiều hơn so với bình thường.
Theo dantri.com.vn