Gay cấn cuộc đua vào Nhà trắng

Thứ 6, 25.10.2024 | 09:22:44
256 lượt xem

Cuộc chạy đua vào Nhà trắng ở giai đoạn nước rút đang diễn ra rất quyết liệt, khi hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa bám đuổi nhau sít sao về tỷ lệ ủng hộ. Cả hai ứng cử viên đều nỗ lực giành sự ủng hộ của cử tri ở các “bang chiến địa”. Các kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ lâu nay luôn xuất hiện yếu tố bất ngờ và mọi kịch bản sẽ không loại trừ trong cuộc bỏ phiếu ngày 5/11 tới.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Getty).


Cạnh tranh khốc liệt để giành ghế Tổng thống giữa ứng cử viên đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và ứng cử viên đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đang được thể hiện rõ nét ở chặng đua nước rút. Còn chưa đầy hai tuần nữa là đến “ngày phán quyết”, hai ứng cử viên đang ở thế bám đuổi sít sao.

Theo kết quả thăm dò của Reuters/Ipsos, với biên độ sai số 2%, Phó Tổng thống Kamala Harris hiện dẫn trước cựu Tổng thống Donald Trump và duy trì khoảng cách 3 điểm phần trăm. Cụ thể, bà Harris giành được 46% số ý kiến ủng hộ và ông Trump được 43%. Trong những vấn đề cử tri quan tâm hàng đầu, vị ứng cử viên bên đảng Cộng hòa nhận được sự ủng hộ lớn hơn trong vấn đề nhập cư và kinh tế, còn đại diện phe Dân chủ có lợi thế về xử lý các mối đe dọa đối với nền dân chủ, cũng như vấn đề chăm sóc sức khỏe.

Vào những ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử, cả hai ứng cử viên Tổng thống đều tập trung vào nhóm cử tri gốc Latin, những người được cho là có thể xoay chuyển kết quả ở các “bang chiến địa” như Pennsylvania, Arizona và Nevada.

Để “lấy lòng” nhóm cử tri này, Phó Tổng thống Harris mới đây đề xuất kế hoạch tăng gấp hai lần quy mô đào tạo nghề, hạ tiêu chuẩn tuyển dụng các vị trí trong cơ quan chính phủ, cũng như cấp các khoản vay có thể xóa nợ lên tới 20.000 USD cho một triệu doanh nghiệp nhỏ. Trong khi đó, tại cuộc gặp trực tiếp các cử tri gốc Latin, cựu Tổng thống Trump nêu bật các chính sách kinh tế mang lại lợi ích nhiều hơn cho cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha.

Hai ứng cử viên cũng quyết liệt chạy đua giành sự ủng hộ của nhóm cử tri chưa có quyết định. Theo kết quả thăm dò của báo The New York Times, tại các bang chiến địa, chỉ còn khoảng 3,7% số cử tri, tương đương 1,2 triệu người, chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên nào.

Được gọi là “bất ngờ tháng 10”, thời điểm trước thềm ngày bầu cử thường thu hút sự chú ý cao độ của dư luận, bởi ẩn chứa những yếu tố bất ngờ, có thể thay đổi vị thế của các ứng cử viên trên đường đua. Những ngày qua, siêu bão hoành hành, tàn phá khu vực đông nam nước Mỹ. Tờ Politico nhận định “bão có thể làm lay chuyển bầu cử”. Các biện pháp ứng phó bão, chính sách cứu trợ người dân bị ảnh hưởng… bất ngờ nổi lên, có thể ảnh hưởng đến phiếu bầu của cử tri.

Một “bất ngờ tháng 10” khác là làn sóng đình công đòi tăng lương của công nhân làm việc tại các cảng biển của Mỹ, làm gián đoạn hoạt động vận tải và logistics. Vấn đề này được cho là gây sức ép đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ. Xung đột leo thang ở Trung Đông cũng có tác động nhất định đến cuộc bầu cử Mỹ.

Kỳ bầu cử tại Mỹ năm 2024 từng chứng kiến nhiều diễn biến bất ngờ, đặc biệt là “khúc cua” khi Tổng thống đương nhiệm Joe Biden quyết định rút khỏi đường đua và ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris thay ông gánh vác trọng trách chèo lái con thuyền của đảng Dân chủ trong cuộc đua với ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa.

Với tỷ lệ ủng hộ dành cho hai ứng cử viên Tổng thống không chênh lệch nhiều trong các cuộc thăm dò dư luận, kết quả cuộc đua vào Nhà trắng năm nay khó đoán định. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, vì hai bên bám đuổi sít sao cho nên chỉ những thay đổi nhỏ cũng có thể tạo nên sự khác biệt, trong khi chính trường Mỹ luôn tiềm ẩn diễn biến bất ngờ, khó lường, có thể làm lệch cán cân giữa hai ứng cử viên và thay đổi cục diện cuộc đua.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/gay-can-cuoc-dua-vao-nha-trang-post838523.html

  • Từ khóa