Nỗi lo ô nhiễm rác thải nhựa

Chủ nhật, 03.11.2024 | 14:45:00
401 lượt xem

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, thế giới thải ra hơn 300 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, trong đó 79% nằm vất vưởng ở các bãi rác hoặc ngoài môi trường tự nhiên, 12% bị đốt và chỉ có 9% được tái chế. Mỗi phút có khoảng 1 triệu chai nhựa và 5.000 tỷ túi ni-lông được tiêu thụ. Thực trạng đáng lo ngại này gióng hồi chuông cảnh báo về tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ngày càng nghiêm trọng, đe dọa môi trường sống của chính con người.

Ảnh: UNEP.


Ô nhiễm nhựa là một trong những vấn đề môi trường nhức nhối nhất thế giới hiện nay, đòi hỏi sự hợp tác và cam kết mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Bất chấp lời kêu gọi của các nhà khoa học và hoạt động môi trường, tình trạng này vẫn chưa được cải thiện, thậm chí ngày càng nghiêm trọng hơn. Ô nhiễm môi trường kéo theo đó là biến đổi khí hậu và hàng loạt bệnh tật nguy hiểm làm cuộc sống của con người ngày càng bị đe dọa.

Theo OECD, chỉ 9% rác thải nhựa trên thế giới được tái chế, 19% được đốt có kiểm soát và gần 50% đưa đến các bãi chôn lấp có kiểm soát. Khoảng 22% còn lại bị vứt trong các bãi rác, bị đốt ngoài trời hoặc thải trực tiếp ra môi trường, gây nguy cơ lớn cho sức khỏe con người. Khoảng 22 triệu tấn nhựa được thải ra môi trường mỗi năm, trong đó có 6 triệu tấn trôi nổi dưới sông, hồ và biển.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), sản lượng polymer tổng hợp toàn cầu, chất liệu tạo thành nhựa khối, đã tăng gấp 230 lần kể từ những năm 1950. Giai đoạn 2000-2019, con số này tăng gấp đôi lên 460 triệu tấn, tập trung chủ yếu ở Mỹ, Trung Đông và Trung Quốc.

Theo OECD, nếu không có biện pháp kiểm soát, đến năm 2060, con số đó sẽ tăng gần gấp ba lần lên 1,2 tỷ tấn. Tỷ lệ thuận với sản lượng nhựa tăng mạnh, khối lượng rác thải nhựa trên toàn cầu cũng tăng gấp hơn hai lần trong vòng 20 năm qua, từ 156 triệu tấn năm 2000 lên 353 triệu tấn năm 2019 và dự kiến sẽ tăng lên hơn 1 tỷ tấn vào năm 2060.

Điều đáng quan ngại là cách xử lý lượng rác nhựa khổng lồ này. Theo OECD, chỉ 9% rác thải nhựa trên thế giới được tái chế, 19% được đốt có kiểm soát và gần 50% đưa đến các bãi chôn lấp có kiểm soát. Khoảng 22% còn lại bị vứt trong các bãi rác, bị đốt ngoài trời hoặc thải trực tiếp ra môi trường, gây nguy cơ lớn cho sức khỏe con người. Khoảng 22 triệu tấn nhựa được thải ra môi trường mỗi năm, trong đó có 6 triệu tấn trôi nổi dưới sông, hồ và biển.

OECD dự đoán đến năm 2060, khối lượng rác thải nhựa trong môi trường sẽ tăng gấp hai lần lên 44 triệu tấn, chủ yếu là loại nhựa lớn, song chưa có thống kê chính xác về tình trạng hạt rác nhựa trong cơ thể con người và sinh vật.

Ngoài ra, nhựa cũng tạo ra "dấu chân các-bon" đáng kể, với khoảng 1,8 tỷ tấn khí nhà kính được "sinh ra" từ nhựa trong năm 2019, tương đương 3,4% tổng lượng khí thải toàn cầu. Khoảng 90% lượng khí thải này đến từ hoạt động sản xuất và chế biến nhựa.

Báo cáo được Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) công bố số liệu cho thấy, lượng rác thải nhựa từ EU sang Malaysia năm 2023 tăng 35% so với năm 2022. EU đã xuất khẩu 8,5 triệu tấn giấy, nhựa và thủy tinh sang các nước năm 2023, tăng 34% so với năm 2022, trong đó hơn 20% được đưa đến bãi rác ở Malaysia.

Báo cáo cho biết, đối với xuất khẩu nhựa tái chế, Thổ Nhĩ Kỳ là điểm đến lớn nhất với 22%, tiếp theo là Malaysia 21% và Indonesia 19%. Theo dữ liệu của EU, khối lượng xuất khẩu vào Malaysia là 283.000 tấn năm 2023, tăng 99.000 tấn so với năm 2022.

OECD đưa ra cảnh báo nêu trên trong bối cảnh còn chưa đầy một tháng nữa, cuộc đàm phán cuối cùng của Ủy ban Đàm phán liên Chính phủ (INC-5) sẽ diễn ra tại Busan, Hàn Quốc để tiến tới một thỏa thuận chung toàn cầu giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa. Các nhà quan sát cho biết tiến độ đàm phán diễn ra rất chậm chạp. Hiện bất đồng lớn nhất là một nhóm nước, nhất là các quốc gia sản xuất dầu mỏ, cho rằng, thỏa thuận nên tập trung vào các biện pháp hạ nguồn - chủ yếu là quản lý chất thải.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cùng nhiều quốc gia châu Á và châu Phi muốn có các quy định chung về hạn chế sản xuất nhựa, quản lý và tái chế chất thải, cũng như lượng khí thải từ việc sản xuất nhựa.

Trước thực trạng đáng lo ngại này, chính phủ nhiều nước đã ban hành quy định hạn chế sản xuất và tiêu thụ đồ dùng bằng nhựa sử dụng một lần. Điển hình là Indonesia đang đẩy mạnh nghiên cứu dự án chuyển đổi rác thải nhựa giá trị thấp được khai thác từ bãi chôn lấp thành các sản phẩm thương mại như gạch nhựa và sàn nhựa. Các tổ chức bảo vệ môi trường mong đợi các dự án tương tự được thúc đẩy nhằm giúp toàn thế giới chung tay ngăn chặn rác thải nhựa.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/noi-lo-o-nhiem-rac-thai-nhua-post842780.html

  • Từ khóa