Các đồng minh NATO, trong đó có Đức, Pháp, khẳng định chưa dỡ bỏ hạn chế đối với Ukraine sau thông tin Mỹ cho phép Kiev dùng vũ khí tầm xa viện trợ tấn công sâu vào Nga.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot (Ảnh: AFP).
Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot ngày 18/11 cho biết, Pháp vẫn đang xem xét cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng tên lửa do Pháp cung cấp.
Ông Barrot nói, hồi tháng 5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công khai tuyên bố rằng Paris đang xem xét cho phép sử dụng tên lửa của mình để tấn công lãnh thổ Nga.
"Chúng tôi từng công khai nói rằng đây là một lựa chọn mà chúng tôi sẽ cân nhắc nếu điều đó cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu mà Nga dùng để đánh vào Ukraine", Ngoại trưởng Barrot cho hay.
Bình luận trên được đưa ra sau khi báo Le Figaro đưa tin, Pháp và Anh nhất trí cho phép Kiev sử dụng tên lửa SCALP/Storm Shadow do họ viện trợ để tập kích lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, Le Figaro đã gỡ bỏ thông tin sau đó.
Đức, một thành viên khác của NATO, cũng nêu rõ nước này chưa có ý định chuyển tên lửa hành trình tầm xa Taurus cho Kiev.
"Chúng tôi có những nguyên tắc của mình và chúng tôi sẽ tuân thủ chúng. Có những lý do rõ ràng khiến tôi nghĩ việc cung cấp tên lửa hành trình Taurus cho Ukraine không phải quyết định đúng đắn", Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định.
Ông Scholz đã nhiều lần bác bỏ ý tưởng gửi tên lửa Taurus có tầm bắn khoảng 500km tới Ukraine. Những tên lửa này được coi là tương tự như tên lửa Storm Shadows mà Anh đã cấp cho Ukraine, nhưng Taurus có tầm bắn xa hơn. Theo ông Scholz, việc cung cấp các hệ thống vũ khí như vậy có thể làm leo thang tình hình nghiêm trọng.
Các đồng minh tỏ ra thận trọng sau khi có thông tin chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cuối cùng đã "bật đèn xanh" cho phép Ukraine dùng vũ khí tầm xa do Washington viện trợ để tập kích vào lãnh thổ Nga, đáp trả việc Triều Tiên đưa quân đến hỗ trợ Moscow.
Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho rằng, việc dỡ bỏ các hạn chế đối với Ukraine về sử dụng tên lửa tầm xa để chống lại các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga là "vô nghĩa và phản tác dụng".
"Đây là sự leo thang căng thẳng chưa từng có", ông Fico nói và cảnh báo động thái này có thể làm trì hoãn bất cứ cuộc hòa đàm nào nhằm chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine.
Ông cũng tỏ ra ngạc nhiên khi một số thành viên Liên minh châu Âu nhanh chóng hoan nghênh động thái dỡ bỏ hạn chế vũ khí với Ukraine. "Điều này cho thấy phương Tây muốn cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục bằng bất cứ giá nào", ông nhận định.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cũng cho rằng động thái của Washington có thể dẫn đến sự leo thang của cuộc chiến ở Ukraine cũng như nguy cơ kéo các quốc gia khác vào xung đột.
Trong khi đó, quan điểm ở Ba Lan được cho là chưa thống nhất về vấn đề này.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda ca ngợi quyết định của Tổng thống Mỹ Biden là bước ngoặt cho cuộc xung đột Nga - Ukraine, đồng thời nhấn mạnh quyết định này "hoàn toàn mang tính phòng thủ".
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz cho rằng, sử dụng tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS để tấn công bên trong nước Nga sẽ không phải là bước ngoặt cho cuộc xung đột.
Theo dantri.com.vn