Truyền thông Ukraine đăng tải danh sách các căn cứ của Moscow có thể rơi vào tầm ngắm của tên lửa ATACMS sau khi có tin nói rằng Mỹ cho phép Kiev dùng vũ khí này bắn vào lãnh thổ Nga.
Một tên lửa ATACMS rời khỏi bệ phóng (Ảnh minh họa: AFP).
Ngày 17/11, truyền thông Mỹ đưa tin rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cho phép Ukraine dùng tên lửa viện trợ bắn vào sâu lãnh thổ Nga. Nhà Trắng chưa bình luận về thông tin, nhưng một quan chức cấp cao EU đã xác nhận tin tức này.
Theo Kyiv Post, việc Mỹ "bật đèn xanh" có thể giúp Ukraine đưa hàng trăm mục tiêu của Nga vào tầm ngắm.
Một phân tích của Viện nghiên cứu chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ nhận định, với tầm bắn 300km, ATACMS có thể tấn công ít nhất 245 mục tiêu quân sự của Nga, bao gồm 15 căn cứ không quân nằm ở các vùng Bryansk, Kaluga, Kursk, Lipetsk, Voronezh, Rostov và Krasnodar.
Bản đồ mô tả những mục tiêu của Nga có thể nằm trong tầm bắn 300km của ATACMS (Ảnh: Kyiv Post).
Trong nhiều tháng qua, Ukraine đã kêu gọi Washington dỡ bỏ lệnh hạn chế tấn công các sân bay của Nga bằng ATACMS, với lý do rằng các sân bay này là nơi Nga đặt các máy bay chiến đấu chuyên dùng để tấn công mục tiêu của phía Kiev.
George Barros, một nhà phân tích của ISW, đã tạo ra một bản đồ phác thảo phạm vi và các mục tiêu tiềm năng ở Nga của ATACMS. Nếu Ukraine chỉ dùng rocket của hệ thống HIMARS với tầm tấn công 77km, họ chỉ có thể tấn công 20 mục tiêu của Nga, tuy nhiên với ATACMS, con số này đã tăng lên hơn 10 lần.
Tuy nhiên, ISW lưu ý rằng bản đồ này không thể liệt kê được hết các mục tiêu của Nga trong phạm vi tấn công 300km.
Một câu hỏi khác được đặt ra là dù Mỹ "bật đèn xanh" cho Ukraine, nhưng Kiev đang có bao nhiêu tên lửa loại này.
Theo Kyiv Post, Ukraine có thể đã nhận được ít hơn 50 tên lửa ATACMS, tuy nhiên không rõ Kiev đã dùng bao nhiêu quả và còn lại bao nhiêu quả.
Mỹ và Ukraine chưa bao giờ xác nhận số lượng tên lửa chính xác được viện trợ. Cho đến nay, chỉ có hai lần Mỹ giao ATACMS được biết đến rộng rãi, với một lần hồi cuối năm 2023 với các phiên bản tầm ngắn hơn (160km) và một lần được giao bí mật vào tháng 3 năm nay với các phiên bản tầm xa (300km).
Vì vậy, theo Kyiv Post, dù Ukraine có thể đưa hàng trăm mục tiêu Nga vào tầm ngắm nhưng nếu không có nguồn cung mới, thì số mục tiêu có thể bị tấn công sẽ rất hạn chế. Ukraine sẽ phải suy xét kỹ để tấn công.
Ngoài ra, Nga cũng sở hữu hệ thống phòng không nhiều lớp và uy lực và cũng từng nhiều lần tuyên bố đánh chặn được ATACMS nên Ukraine có thể sẽ phải cân nhắc các chiến thuật cụ thể để không lãng phí những tên lửa với số lượng có hạn.
Ngoài ra, hồi tháng 8, Nga được cho đã chuyển 90% máy bay quân sự đến các căn cứ nằm ngoài tầm bắn của tên lửa ATACMS.
Mỹ bắt đầu cung cấp tên lửa đạn đạo ATACMS cho Ukraine hồi năm 2023.
Với trọng lượng hơn 1,6 tấn, dài 4m và đường kính 610mm, ATACMS có thể bay ở tốc độ lên tới 1km/s ở trần bay khoảng 50km. Sử dụng thiết bị dẫn đường sử dụng hệ thống định vị vệ tinh GPS, tên lửa này có sai số rất nhỏ dù có thể tấn công mục tiêu ở xa tới 300km.
Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/the-gioi/uy-luc-ten-lua-atacms-tam-ban-300km-cua-ukraine-20241119103151102.htm